Không phải giai đoạn hiện nay mà trước năm 1975, Sài Gòn vốn đã là địa bàn phức tạp, là mảnh đất màu mỡ, chốn dung thân của tội phạm hình sự. Tuy nhiên, khoảng 10 năm nay, tình trạng cướp giật trên đường phố, trộm xe máy diễn ra phổ biến, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh khiến nhiều người dân sinh sống ở TP HCM và du khách xem trộm, cướp là "đặc sản" của TP.
Để giải quyết tình trạng cướp giật, trộm cắp trên địa bàn TP HCM, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có 2 giải pháp căn cơ.
Xây dựng, củng cố lực lượng công an
So với công an các địa phương khác, Công an TP HCM là đơn vị có đội ngũ cán bộ, chiến sĩ được đào tạo bài bản, có năng lực công tác chuyên môn cao. Tuy nhiên, đặc trưng của địa bàn với nhiều ngành nghề kinh doanh phức tạp, nhạy cảm đã làm nảy sinh tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ.
Vấn đề rất đáng quan ngại là hiện tượng bao che, thiếu tinh thần trách nhiệm trong phòng chống tội phạm hình sự của một số cán bộ, chiến sĩ công an chuyên trách. Thực tế, ở một số địa bàn, nhiều cơ sở dịch vụ liên quan đến mại dâm, tụ điểm cá độ bóng đá, thầu đề, máy bắn cá giải trí trá hình cờ bạc... hoạt động gần như công khai, mọi người dân đều biết nhưng vẫn tồn tại. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát khu vực mặc dù quản lý địa bàn rất chặt nhưng lại không nắm được tình hình tội phạm, không báo cáo, không xử lý các tụ điểm tệ nạn xã hội, tội phạm là chuyện rất phi lý.
Vì vậy, để hạn chế tình hình tội phạm một cách hiệu quả nhất, Công an TP HCM cần phải củng cố lại lực lượng các cấp theo hướng xử lý nghiêm những hành vi bao che, bảo kê cho tội phạm và tệ nạn xã hội của cán bộ, chiến sĩ công an; quy trách nhiệm cho từng cảnh sát khu vực trong việc nắm tình hình về tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội (chịu trách nhiệm trước lãnh đạo trực tiếp, cấp dưới chịu trách nhiệm với cấp trên trực tiếp); xử lý nghiêm hành vi báo cáo sai sự thật về số vụ phạm pháp hình sự nhằm giảm áp lực, chạy theo thành tích; quy trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo công an các cấp trong phòng chống tội phạm hình sự.
Việc củng cố lực lượng công an các cấp không chỉ góp phần làm trong sạch lực lượng, nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm mà quan trọng hơn là củng cố, hình thành niềm tin của người dân vào lực lượng công an, là cơ sở để xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát huy sức mạnh của quần chúng trong phòng chống tội phạm.
Người dân huyện Bình Chánh, TP HCM vây bắt một đối tượng cướp giậtẢnh: Lê Phong
Phát huy sức mạnh, vai trò của quần chúng
Thực tế, đối tượng hình sự, đặc biệt là các đối tượng hoạt động cướp giật trên địa bàn TP HCM, thường được tổ chức theo nhóm, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội: "tìm mồi", dàn cảnh, trực tiếp ra tay cướp giật, cản địa... Không ít trường hợp do quần chúng không nhận thức được hành vi phạm tội (trong các vụ dàn cảnh để cướp giật) hoặc không dám tham gia truy bắt tội phạm vì sợ bị tấn công, trả thù..., làm cho tội phạm cướp giật ngày càng lộng hành.
Vì vậy, để củng cố, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát huy tối đa vai trò của quần chúng nhân dân trong phòng chống tội phạm hình sự, trước hết, cần phải giáo dục nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân, làm cho họ nhận biết được các dấu hiệu hoạt động của tội phạm, trang bị kỹ năng phòng ngừa tội phạm để bảo vệ an toàn cho bản thân và gia đình, nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm công dân trong phòng chống tội phạm. Thực hiện tốt được điều này sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phòng chống tội phạm, làm cho tội phạm không dám lộng hành.
Bên cạnh đó, cần phải củng cố hoạt động của các tổ tự quản, bảo vệ dân phố, phát huy vai trò của các nghiệp đoàn (vận tải, thương mại, dịch vụ...) trong phòng chống tội phạm, vận động quần chúng không tiếp tay cho tội phạm và không dung túng, bao che cho tệ nạn xã hội, không tiêu thụ tài sản do hành vi phạm tội mà có. Ngoài ra, cần phải phát huy vai trò của quần chúng trong việc giám sát hoạt động của các cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm để quần chúng kịp thời cung cấp thông tin cho lãnh đạo công an các cấp về những hành vi tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ trong phòng chống tội phạm, góp phần làm trong sạch lực lượng công an.
Cần thiết lập và duy trì tốt đường dây nóng để quần chúng kịp thời cung cấp thông tin, phản ánh tình hình tội phạm hình sự, tình hình hoạt động của lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm.
Bình luận (0)