Việc bảo mẫu trói chân tay, nhốt trẻ ở ngoài cửa khiến các bé đói phải bốc rác ăn chưa lắng xuống thì ngày 9-10, dư luận lại xôn xao vì 2 clip bảo mẫu đánh, tát trẻ mầm non do ăn chậm ở Hà Nội.
Không thể chấp nhận
Việc trẻ mầm non bị bạo hành bởi chính người được phân công dạy dỗ đã không còn quá lạ lẫm với mọi người. Khi trẻ được gửi vào trường, hầu như cha mẹ không thể nào biết được con mình học tập, sinh hoạt ra sao trong môi trường khép kín ấy. Trong khi đó, trẻ thì còn quá nhỏ để có thể về kể lại những việc mình từng chịu đựng hoặc những việc diễn ra ở trường. Những đứa trẻ chẳng may bị bạo hành sẽ phải chịu đựng và ám ảnh đến lớn.
Trước những vụ bạo hành trẻ mầm non gần đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh hành động này không thể chấp nhận được. “Bạo hành trẻ trong nhà trường dưới bất kỳ hình thức nào cũng không được để xảy ra và cần phải xử lý nghiêm, nhất là ở lứa mầm non” - bà nêu rõ.
Theo thứ trưởng Bộ GD-ĐT, để hạn chế những vụ việc tương tự, không chỉ cần các bảo mẫu có đạo đức, lương tâm mà cần hơn là sự tăng cường phối hợp giữa ngành giáo dục với chính quyền địa phương trong việc rà soát, kiểm tra cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Bà Nghĩa cho rằng để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ, trách nhiệm không chỉ ở cá nhân người bạo hành mà còn của nhà trường, ban giám hiệu và cả chính quyền địa phương.
Rất nhiều phụ huynh cho biết họ không đủ can đảm để xem hết clip bảo mẫu bạo hành trẻ vì “quá dã man”. Chị Phùng Thị Ngọc - có con đang học tại một trường mầm non ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội - phẫn nộ cho rằng đó thực sự là một tội ác. “Những đứa trẻ non nớt như vậy cần được dỗ dành bằng những cử chỉ, lời nói yêu thương chứ không phải bằng những cái tát khi ăn chậm hay không nghe lời” - chị bức xúc.
Một phụ huynh khác, chị Mai Thu Lan, bày tỏ: “Tôi cảm thấy khó thở khi đọc thông tin trẻ bị bảo mẫu hành hạ trên báo chí. Nghĩ đến đứa con 3 tuổi của mình mà tim tôi nhói đau”.
Dễ bị rối loạn tâm lý
Không chỉ là nỗi đau thể xác, việc bạo hành còn dẫn đến những hậu quả khó lường về tinh thần, tác động xấu đến tâm lý của trẻ, thậm chí ảnh hưởng đến nhân cách sau này.
Theo TS Nguyễn Tùng Tâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, trẻ bị bạo hành sẽ dễ phát sinh cảm xúc tiêu cực như bực bội, cáu gắt vô cớ, mất bình tĩnh, lo lắng quá nhiều về những điều nhỏ nhặt, thiếu tự tin, dễ chán nản, buồn bã và mất mọi hứng thú, thấy khó chịu ngay cả với điều bình thường. Chính vì điều này mà mối quan hệ của trẻ với người xung quanh trở nên khó khăn.
Một chuyên gia tâm lý tại Hà Nội cho biết chị từng trực tiếp chữa trị cho một bé trai 2 tuổi bị cô giáo mầm non bạo hành. Sau sự cố trên lớp, bé trai này đêm ngủ chập chờn, nhạy cảm với tiếng động và dễ thức giấc, ói nhiều vào buổi sáng. Bé không tập trung chơi lâu, chỉ vài phút lại hét lên đòi mẹ. Với trường hợp này, các chuyên gia tâm lý cho rằng tốt nhất là gia đình nên tạm ngưng cho bé đi học một thời gian, tổ chức các trò chơi tương tác, thường xuyên quan tâm nói chuyện nhiều hơn để bé mau hồi phục các sang chấn tâm lý...
Hãy quan tâm “tín hiệu” của con
Nhiều người cho biết con mình có hàng loạt dấu hiệu bất ổn về tâm lý, như: về nhà bỏ ăn, sợ hãi, ngủ gặp ác mộng, mỗi khi đến lớp lại gào khóc không chịu vào. Các chuyên gia tâm lý giáo dục lưu ý điều này vô cùng nguy hiểm. Nếu không được can thiệp kịp thời, bé sẽ trở nên nhút nhát, mất tự tin và nặng hơn là sẽ gặp rối loạn về tâm lý như trầm cảm, lo âu và ảnh hưởng lâu dài sau này. Trẻ mầm non chưa thể tự bảo vệ mình, vì thế cha mẹ phải biết bảo vệ con. Hãy chú ý đến con nhiều hơn, quan tâm đến cảm xúc cũng như các “tín hiệu” của bé mỗi ngày.
Bình luận (0)