Thầy Ðỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5, TP HCM), cho rằng đôi khi phải cần cảm ơn những vụ việc bạo lực học đường (BLHÐ) được kịp thời phát hiện và giải quyết. Vì thực tế còn rất nhiều mâu thuẫn ở môi trường học đường vẫn đang âm ỉ, chờ dịp là bùng phát. Vấn đề đặt ra là nhà trường với chức năng và nhiệm vụ của mình có kịp thời nhận diện và hóa giải trước khi tình huống xấu xảy ra hay không?
Chớ xem nhẹ giáo dục nhân cách
Theo thầy Ðỗ Minh Hoàng, học sinh (HS) ngày nay khác trước rất nhiều; gia đình, nhà trường và xã hội ngày nay cũng rất khác. Trước đây, HS đến trường học xong rồi về nhà, các hình thức giải trí cũng lành mạnh. Trước đây còn nhiều thế hệ sinh sống trong một gia đình. Nay đa số chỉ là gia đình đơn. Phụ huynh ngày nay cũng khác, vì yêu cầu công việc, đòi hỏi của xã hội khiến thời gian dành cho con cũng ít hơn. Trong khi đó, HS ngày nay đến trường phải học quá nhiều. Giáo viên cũng chỉ lo nhiệm vụ dạy học mà quên mất nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho học trò. Bản chất của giáo dục lâu dần bị lãng quên, bởi giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức, văn hóa mà còn là giáo dục nhân cách, phẩm chất cho HS. Giáo viên xét nét học trò, những quy định cứng nhắc, môi trường học đường khô khan, thậm chí thiếu an toàn.
HS ở độ tuổi THPT cũng là độ tuổi có nhiều năng lượng nhất, nhiều suy nghĩ, tâm tư, tình cảm nhưng cũng là lứa tuổi đang chênh vênh nhất. Sự chênh vênh của tuổi trẻ là bình thường, nếu được mài giũa trong môi trường trong sáng, lành mạnh, nhiều tình yêu thương thì sẽ trưởng thành hơn. Ngược lại, khi môi trường các em tiếp xúc thiếu những điều đó, thiếu sự quan tâm thì các em sẽ ngả nghiêng theo các xu hướng, có tốt, có xấu; nhất là hiện nay internet phát triển, các mạng xã hội đếm không xuể. Ðủ các trào lưu trên thế giới mạng và HS chìm đắm trong đó, không biết đâu là đúng, sai. Do đó, việc uốn nắn và giáo dục nhân cách là vô cùng quan trọng. Điều này mới chính là cốt lõi của giáo dục.
Ðồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Ðoàn Luật sư TP HCM, phân tích thêm nguyên nhân dẫn đến tình trạng BLHÐ còn xuất phát từ sự thay đổi tâm sinh lý của HS, giai đoạn từ khoảng 12 - 17 tuổi. Ðây là giai đoạn phát triển quan trọng về tâm lý cũng như sinh lý của một con người. Vì thế, nó được xem là giai đoạn khá nhạy cảm, tâm lý không được ổn định và có xu hướng với một cái tôi vị kỷ. Giai đoạn này chỉ một tác động tiêu cực nào đó từ bên ngoài cũng khiến các em có xu hướng học theo. Cũng vì thế mà tâm lý cũng dễ mang hơi hướng bạo lực hơn. Vì vậy, cần phải hết sức tập trung để có thể giáo dục tâm sinh lý cho HS giai đoạn này.
Cùng tham gia các hoạt động văn - thể - mỹ giúp học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) thêm gắn kết, có thêm nhiều cảm hứng tích cực trong cuộc sống và học tập. (Ảnh do nhà trường cung cấp)
Cần bao dung với học trò
Thầy Ðỗ Minh Hoàng cho rằng lâu nay, BLHÐ chỉ được chú ý khi sự đã rồi và chúng ta quýnh quáng tìm cách giải quyết theo kiểu đuổi học hoặc tạm dừng học tập đối với HS vi phạm. Nói thẳng, đó chỉ là cách giải quyết phần ngọn, như phun nước dập tắt một đám cháy. Nhưng còn bao nhiêu ngọn lửa âm ỉ đang chực chờ? Chúng ta cũng buộc phải chấp nhận sự thật rằng sẽ không có giải pháp tối ưu nào để ngăn chặn BLHÐ nếu không có sự chung tay từ nhiều phía. Sự chung tay này phải bền bỉ, kiên nhẫn, không thể một sớm một chiều mà có ngay kết quả.
Nêu giải pháp cụ thể, thầy Ðỗ Minh Hoàng kể thêm: Ai mới vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt của HS từng khối lớp. Nếu như HS khối 11, 12 luôn nhanh nhẹn, hoạt bát, lễ phép thì ngược lại, HS khối 10 lại ít nói, lầm lì, thậm chí không giao tiếp với người lạ. Sở dĩ như vậy là vì các em lớp 10 chịu khá nhiều tổn thương từ sự kỳ vọng của gia đình khi không vào được những trường công lập, trường chuyên nổi tiếng… Sự thương tổn như vậy nếu vào trường cũng tiếp tục bị lạnh nhạt, thiếu sự quan tâm thì điều gì sẽ xảy ra? Các em sẽ dễ bị dụ dỗ, dễ tìm một chốn nương tựa nào đó nhưng thế giới ngoài kia lại quá phức tạp. Do đó, trung tâm đã đưa ra giải pháp kéo HS đến trường nhiều hơn.
"Hãy nhớ các em đến trường không phải chỉ để học văn hóa mà còn được chơi thể thao, nghe nhạc, trang trí lớp học theo ý mình thích. HS được tham gia các câu lạc bộ nhân ái. Thậm chí, trung tâm thiết kế lại môn giáo dục công dân theo ý của thầy cô là thay vì học lý thuyết, các em được khuyến khích xâm nhập cuộc sống, để cảm nhận và sẻ chia" - thầy Hoàng cho biết.
Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An quan niệm không có HS cá biệt, một HS giỏi toán khi đặt lên bàn cân cũng ngang với một HS giỏi bóng rổ. Một YouTuber giỏi cũng xứng đáng như một nhà khoa học nếu cùng mang lại lợi ích cho cộng đồng. Ngoài ra, trung tâm có quy định giáo viên phải là người mỉm cười chào HS trước, bất kể các em có chào lại hay không. Khi thầy cô thực sự là những người bạn, tạo tin tưởng cho học trò; HS được tôn trọng, cảm thấy là người có ích, mỗi trường học là một pháo đài an toàn, bảo vệ và che chở các em thì BLHÐ mới được giải quyết triệt để.
Ủng hộ quan điểm trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng trong xử lý các vụ việc BLHÐ cần có cái nhìn bao dung với sai phạm trong lứa tuổi học trò để đưa ra phương án xử lý thích hợp, mang tính răn đe và phòng ngừa chung nhưng cũng luôn tạo cơ hội để các em vi phạm hiểu và sửa đổi. Ðối với một số HS cá biệt, cần có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường để uốn nắn, điều hướng các em vào phong trào của lớp, tránh sự phân biệt đối xử.
Bình luận (0)