Công an TP Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) vừa tạm giữ 6 đối tượng để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc mời bia nhau rồi lời qua tiếng lại. Đáng nói, dù nạn nhân ngã ra bất tỉnh nhưng vẫn bị hành hung dã man, tạo nên cảnh hỗn loạn.
Hở ra là đâm, chém
Trước đó, ngày 9-1, chỉ vì người phụ nữ chủ quán trà sữa (huyện Nhà Bè, TP HCM) hiểu lầm "bom hàng" và đăng lên Facebook cá nhân nhắc nhở người đặt hàng lần sau đừng lấy địa chỉ "ma" tội mấy tài xế Grab, một nhóm côn đồ đã dùng tuýp sắt, gậy gộc... kéo đến truy sát người nhà của người phụ nữ này.
Cũng trong ngày 9-1, tại Kiên Giang đã xảy ra 1 vụ hỗn chiến chém chết người. Các đối tượng tham gia hỗn chiến khai nhận nguyên nhân dẫn đến hành động này là vì "mâu thuẫn trong làm ăn".
Tại Trà Vinh, Công an tỉnh đã vào cuộc điều tra, làm rõ vụ 2 nhóm thanh - thiếu niên (chỉ từ 16 đến 20 tuổi) hẹn nhau "huyết chiến" để giải quyết mâu thuẫn. Còn tại quận Tân Bình (TP HCM), Công an quận đã tạm giữ hình sự nhóm thanh niên (sinh năm 2003 và 2004) để điều tra về việc gây ra trận hỗn chiến kinh hoàng khiến 3 người thương tích chỉ vì "nhìn đểu". Hay tháng 6-2020, Công an TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) bắt khẩn cấp 5 nghi can dùng gậy gộc, gạch đá đánh, ném 1 người trọng thương. Cũng trong tháng 6-2020, nhóm côn đồ hàng trăm người mặc áo cam đi xe máy, dùng hung khí đập phá một quán nhậu ở quận Bình Tân (TP HCM)…
Danh sách các vụ việc tương tự vẫn còn dài. Đáng nói, các đối tượng này giải quyết mâu thuẫn một cách ngang nhiên, xem thường pháp luật và tính mạng của người khác. Dù ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc nhưng dường như vẫn chưa đủ sức răn đe đối với những thành phần này.
Cảnh đánh người dã man trong quán nhậu ở TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai (ảnh cắt từ clip)
Xử phải nghiêm, trấn áp mới hiệu quả
Sự lộng hành của các nhóm côn đồ đã và đang khiến cuộc sống của người dân trở nên bất an. Nhiều bạn đọc cho rằng tình trạng côn đồ ngày càng lộng hành có thể do việc xử lý còn nhẹ, chưa nghiêm. "Ngày càng nhiều vụ việc liên quan đến các đối tượng côn đồ. Đây là những đối tượng manh động, cần phải bị xử lý nghiêm để tránh những tổn hại cho xã hội. Nếu không, những kẻ thích bạo lực, hành xử hung hăng, côn đồ sẽ ngày càng coi thường pháp luật. Điều này không những ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội mà còn đe dọa cuộc sống yên bình của người dân" - bạn đọc Đào Mạnh Đức nêu ý kiến.
Trong khi đó, bạn đọc Long cho rằng: "Để bọn côn đồ manh động, ngang nhiên đánh chém nhau và gây họa cho người dân lương thiện thì các cơ quan thực thi pháp luật, chính quyền địa phương cũng có phần trách nhiệm rất lớn bởi thiếu biện pháp phòng chống răn đe, trấn áp có hiệu quả".
Bạn đọc Bảo Trân phân tích những vụ việc đánh chém nhau kiểu côn đồ như trên là do hiểu biết cũng như ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Nhiều người dân còn thờ ơ, không quan tâm đến việc đấu tranh với tội phạm. Những điều này là "mảnh đất tốt" để các đối tượng có tiền án, tiền sự hoạt động.
Bạn đọc Nguyen kiến nghị: "Các biện pháp nhắc nhở, phạt hành chính các đối tượng càn quấy nhưng chưa đến mức trở thành tội phạm truy cứu trách nhiệm hình sự là chưa đủ sức răn đe. Chúng ta cần các biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm ngay từ đầu. Lực lượng công an phải liên tục rà soát, nắm chắc địa bàn. Chính quyền địa phương phải có biện pháp quản lý, giáo dục để các đối tượng không tụ tập gây mất trật tự công cộng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần sớm xem xét điều chỉnh, bổ sung tăng nặng mức xử phạt với loại tội phạm manh động, vì đây là mối nguy hiểm cho xã hội".
Bình luận (0)