Việc hàng chục ngàn người nghiện hằng ngày lảng vảng trong khu dân cư luôn gây bất an cho cộng đồng. “Chúng ta nương nhẹ việc xử lý người nghiện cũng đồng nghĩa với việc thả lỏng các biện pháp ngăn chặn những hành vi uy hiếp đến cuộc sống bình an của người dân” - bạn đọc Trần Viết Thanh nhận định.
Đề cập những hậu quả do người nghiện gây ra, bạn đọc Giang Tử cho biết: Cái gì cũng vậy, dễ dãi thì sẽ bị lạm dụng. Tội phạm xã hội ngày một tăng và nhiều vụ trọng án xảy ra cũng từ việc những người nghiện đến cơn sẵn sàng ra tay tàn độc để có được tiền mua thuốc. “Không xử lý đến nơi đến chốn, không nghiêm trị thì tôi nghĩ vài năm nữa, tội phạm loại này tràn lan ngoài đường phố” - bạn đọc này nhìn nhận. Thực tế cũng đã rõ, những người nghiện chính là nguồn lây lan nghiện ngập ở cộng đồng lớn nhất. Thiếu tiền mua thuốc, con nghiện rủ rê, thậm chí là dụ dỗ người chưa nghiện hút chích ma túy. Từ đó người nghiện cũng kiêm luôn buôn bán lẻ ma túy để có tiền hút chích.
Nhiều bạn đọc cho rằng nếu không quyết liệt với vấn đề người nghiện thì hậu quả vô cùng lớn. Theo quy định hiện hành, khi phát hiện người nghiện, phải giáo dục tại gia đình, địa phương từ 3-6 tháng; khi không có kết quả mới lập hồ sơ gửi lên tòa án quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc... quả là quá nhiêu khê. Rất nhiều địa phương hầu như không thể đưa được người nào đi cai nghiện bắt buộc bởi vướng phải quy định trên. “Khi biết được quy định này, người nghiện sẽ lộng hành hơn, ngang nhiên thách thức cộng đồng và cả cơ quan chức năng. Tại một số nơi như quận 4, 5, 7, 12... người nghiện công khai hút chích và sẵn sàng gây chuyện với những ai đến gần” - bạn đọc Nguyễn Nguyên cho biết.
Minh chứng thêm cho vấn đề trên, bạn đọc Hoàng Văn Lý kể: Tại quận 4, nhiều người nghiện lảng vảng ở những con hẻm. Khi có người đi ngang họ chặn xe xin tiền. Không cho thì sợ bị họ kiếm chuyện tấn công, còn cho thì bao nhiêu cho đủ... Những người nghiện này hằng ngày xuất hiện trước mắt cán bộ phường và cả công an phường đấy thôi nhưng có bao giờ được xử lý.
Nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn, nhiều bạn đọc cho rằng đưa người nghiện vào trại chỉ là giải quyết “đầu cuối” của tệ nạn. Đây là vấn nạn của toàn xã hội nên cần có chiến lược toàn diện, từ những biện pháp ngăn ngừa nạn buôn ma túy cho đến giáo dục cộng đồng, xử lý người nghiện... Chỉ một khâu yếu thì cả quy trình ngăn chặn tệ nạn ma túy sẽ mất tác dụng. Trước mắt, nếu không có biện pháp thu gom người nghiện mà cứ để tràn lan trong cộng đồng thì viễn cảnh xã hội bất ổn sẽ không bao giờ được giải quyết.
Bình luận (0)