xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

BẮT MẠCH BỆNH VÔ CẢM (*): Đừng đổ lỗi, hãy tự vấn bản thân!

THU HIỀN

Chúng ta thường đổ tại kinh tế thị trường làm tha hóa con người, giáo dục chưa quan tâm đào tạo nhân cách... Điều đó đúng nhưng không phải tất cả, bởi không ai khác mà chính chúng ta tự làm mình tha hóa

Vô cảm là một khái niệm không mới, xuất hiện từ khi có con người và tồn tại ở các mức độ khác nhau cùng với sự phát triển của xã hội. Vấn đề vô cảm cũng đã được bàn đến từ lâu, ồn ào trên những diễn đàn với những bức xúc, lo lắng nhưng rồi vẫn trở thành "thói quen" của nhiều người với câu nói thường xuyên "chuyện thiên hạ, dính vào chi cho phiền!". Vô cảm từ những chuyện nhỏ và cứ thế theo năm tháng thành... mãn tính.

Sợ dây dưa, sợ liên lụy...

Việt Nam đang có sự chuyển mình giữa một bên là nền văn minh nông nghiệp lúa nước và một bên là văn minh công nghiệp. Vì thế, xã hội đang có sự đứt gãy về hệ thống giá trị sống, tình cảm gia đình, lối sống hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau bị nhạt nhòa dần.

Người Việt Nam có truyền thống vô cùng tốt đẹp là "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ". Thế nhưng, có một số cách sống ngày nay đang gặm nhấm những truyền thống tốt đẹp đó. Đi đường gặp người bị tai nạn, nhiều người tò mò đứng nhìn hoặc sẵn sàng lướt qua mà quên đi sự sống mong manh đang rất cần những bàn tay giơ ra cứu giúp. Thấy kẻ càn quấy, cướp giật không ai dám ngăn cản; thấy người bị đánh không ai bênh vực... Không dám giúp đỡ nạn nhân, không tố cáo kẻ xấu vì sợ dây dưa, vướng vào vòng lao lý, sợ bị tra hỏi và sợ bị liên đới. Xã hội mà có nhiều người "không dại gì" như vậy nên người xấu càng được đà làm càn. Trong cơ quan, nhiều người "không dại gì" đấu tranh nên những người nắm quyền muốn làm gì thì làm, kể cả vi phạm pháp luật...

Một lần đi chợ, tôi thấy người hát rong nghèo nên cho họ một ít tiền lẻ, người bán hàng liền bảo tôi đã bị lừa, rồi xua đuổi họ đi. Tự nhiên tôi ngượng ngùng, thấy mình lạc lõng, không giống với mọi người xung quanh.

Tôi cũng từng ngỡ ngàng chứng kiến nhiều bậc cha mẹ góp phần tạo nên bệnh vô cảm cho con trẻ khi sẵn sàng gạt phắt lời đề nghị của con xin tham gia một chương trình ủng hộ người nghèo với lý do không phải việc của con nhưng dễ dãi đáp ứng đòi hỏi mua sắm, ăn chơi phung phí của chúng. Tôi cũng nhiều lần ứa nước mắt khi chứng kiến trong nhiều gia đình hiện đại, người già phải thui thủi chịu đựng, chung sống với căn bệnh vô cảm, vô tâm của con cháu họ...

BẮT MẠCH BỆNH VÔ CẢM (*): Đừng đổ lỗi, hãy tự vấn bản thân! - Ảnh 1.

Hiện trường vụ va chạm giữa taxi với xe máy (quận Tân Phú, TP HCM) khiến cô gái trẻ tử vong, dư luận bức xúc vì tài xế rời khỏi hiện trường, còn nhiều người bỏ mặc nạn nhân giữa đêm khuya. Ảnh: PHẠM DŨNG

Bảo vệ, tôn vinh cái tốt

Lý giải về những hiện tượng vô cảm, tiêu cực, chúng ta thường đổ tại kinh tế thị trường làm tha hóa con người; nền giáo dục chú trọng đào tạo nhân lực, chưa quan tâm đào tạo nhân cách... Điều đó có phần đúng nhưng không phải tất cả, bởi không ai khác, chính chúng ta đang tự làm tha hóa chúng ta, tự tách mình ra khỏi cộng đồng, đời sống xã hội. Vì thế, thay vì đổ lỗi, mỗi người hãy tự vấn bản thân và sửa mình.

Ngoài ra, có một thực tế là xã hội hiện nay cái tốt vẫn còn không ít nhưng nó không đủ sức mạnh đè bẹp đám đông vô cảm, lấn át những kẻ cơ hội. Hiện tượng tiêu cực này sẽ giảm đi khi cơ quan nhà nước quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và chế tài đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ. Ví dụ trong một vụ tai nạn, nếu lực lượng cảnh sát, dân phòng, y tế có mặt ngay khi có cuộc gọi và xử lý gọn hiện trường thì sẽ không có chuyện hôi của hay bỏ mặc người bị nạn. Hoặc khi có một vụ ẩu đả, cướp giật, trấn lột xảy ra, lực lượng chức năng xuất hiện kịp thời sẽ dẹp yên tình trạng hỗn loạn. Nói tóm lại, khi lực lượng chức năng làm đúng công việc, trách nhiệm của mình thì sẽ triệt tiêu được cái xấu.

Việc kiểm soát, khống chế sự vô cảm không phải là việc một sớm một chiều. Quan trọng là các nhà hoạch định chính sách bên cạnh việc chú trọng mục tiêu phát triển kinh tế, phải đầu tư có trọng điểm cho mục tiêu xây dựng một xã hội mà ở đó, mọi người biết và không ngại chống lại cái xấu; xây dựng, gìn giữ, khuyến khích và lan tỏa thiện tâm trong mỗi con người. Điều cần làm ngay bây giờ không chỉ là việc trừng trị những kẻ xấu, kẻ ác mà còn là việc bảo vệ, tôn vinh những người dám xả thân vì cộng đồng, vì sự an toàn và lợi ích người khác.

Mở lòng ra để yêu thương

Cách đây không lâu, 2 nam thanh niên chở nhau bằng xe máy té ngã ra đường. Từ trong quán cà phê, tôi chạy ra đỡ họ lên, dìu vào vỉa hè. Thấy máu ra nhiều, không ít người dừng xe xem rồi bàn tán. May mắn cuối cùng cũng có người phụ tôi chở 2 nạn nhân đến trung tâm y tế gần đó.

Lần khác, tôi nhìn thấy một người đàn ông nằm bất động, lúc đó không có ai, tôi điện thoại báo công an phường. Chỉ khoảng 10 phút sau, các anh đã đến lập biên bản và đưa người đàn ông này đi cấp cứu.

Sẽ có người nghĩ rằng chuyện của người khác không liên quan đến mình thì không cần bận tâm để khỏi gặp phiền phức. Thế nhưng, với tôi, cứ mỗi lần giúp được ai đó, lòng lại thấy nhẹ nhõm vì mình đã làm đúng lương tâm.

Buồn là, theo một thống kê gần đây, trong các trường hợp khẩn cấp cần giúp đỡ nạn nhân và thái độ bàng quan của người dân trước các tình huống khẩn cấp cần sự giúp đỡ, số người tham gia khảo sát không hành động gì lên đến hơn 88%, số người sẵn sàng giúp đỡ chiếm chưa tới 12%.

Cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa, xã hội không thể xem là tốt, là nhân văn khi thiếu vắng sự quan tâm giữa người với người, lãnh đạm trước sự cầu cứu của đồng loại.

Làm gì để cộng đồng quan tâm đến nhau hơn, sẵn sàng giúp đỡ người gặp nạn? Tôi nghĩ không khó. Mỗi cá nhân hãy bắt đầu từ sự mở lòng với người xung quanh, bớt đi sự hoài nghi tiêu cực, những toan tính ích kỷ. Đừng chỉ biết lướt qua nhau mà hãy quan sát, đồng cảm, chia sẻ với người gặp nạn. Như thế mỗi ngày ra đường sẽ ấm áp, tự tin hơn.

Về phía quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng cần đem lại niềm tin vào pháp luật, lẽ phải để tạo sự an tâm, không lo sợ "làm ơn mắc oán". Tiếp xúc, làm việc với người đưa nạn nhân đi cấp cứu, trước tiên hãy nghĩ đó là hành động đẹp và mở lời cảm ơn. Đề cao văn hóa ứng xử đạo đức, xây dựng niềm tin giữa người với người.

Đỗ Ngô Trần

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-7

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo