Vụ sập cần cẩu công trình xây dựng trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp, TP HCM hôm 19-9 một lần nữa cảnh báo tình trạng mất an toàn ở nhiều công trình xây dựng cao tầng tại TP.
Từng xảy ra nhiều tai nạn
Hình ảnh chiếc cần cẩu cao hàng chục mét đổ xuống chắn ngang đường, khiến giao thông bị ùn tắc nhiều giờ liền trên một trong những con đường lớn của TP HCM khiến nhiều người rùng mình. May mắn là thời điểm xảy ra vụ việc vào giữa trưa, vắng người qua lại. Nếu tai nạn xảy ra vào giờ người dân đi làm hoặc tan tầm, hậu quả có thể rất khủng khiếp.
Trên địa bàn TP HCM, không khó bắt gặp những chiếc cần cẩu tháp cao hàng chục mét tại các công trình xây dựng. Điều đó khiến những người tham gia giao thông bên dưới không khỏi lo lắng, bởi chỉ cần xảy ra sơ suất nhỏ trong quá trình vận hành cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Trước đó, ở TP HCM từng xảy ra không ít vụ tai nạn liên quan đến cần cẩu công trình. Cụ thể, tháng 6-2018, tại một dự án đang xây dựng trên đường Tạ Quang Bửu, quận 8, chiếc cần cẩu cao khoảng 50 m của công trình bị gãy ngang. Phần tay đòn của cần cẩu (dài hơn 10 m) hư hỏng, treo lơ lửng trên không, ngay phía dưới là con hẻm thường xuyên có người qua lại.
Tháng 10-2017, trong cơn mưa giông, một cần cẩu công trình bất ngờ va vào tòa nhà cao tầng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3. Sau khi va chạm, cần cẩu đã dính chặt vào tòa nhà. Một số mảng tường bị vỡ rơi xuống, gây hư hại nặng 2 ôtô đang dừng đậu trên con hẻm bên cạnh tòa nhà.
Đầu năm 2017, một vụ sập cần cẩu xảy ra tại công trình nhà ở trên đường Phan Văn Hớn, quận 12 khiến 2 người bị thương. Ngoài ra, 3 nhà trọ và 1 xưởng gỗ bị tay cần cẩu đè sập...
Những vụ tai nạn trên chưa gây thiệt hại về người nhưng thực tế, ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước từng xảy ra những cái chết đau lòng do bị cần cẩu rơi trúng. Cụ thể, vụ rơi cần cẩu ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An khiến một học sinh tử vong vào tháng 11-2016; cần cẩu rơi đè trúng người đi xe máy tử vong ở TP Hải Phòng vào tháng 11-2015… Rõ ràng, những chiếc cần cẩu tháp lơ lửng trên không tại các công trình xây dựng luôn là mối nguy hiểm rình rập.
Hiện trường vụ sập cần cẩu công trình xây dựng trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp, TP HCMẢnh: Sỹ Đông
Phòng ngừa là chính
Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Đoàn Luật sư TP HCM, đa số vụ tai nạn lao động có nguyên nhân là do con người tắc trách, chủ quan, đôi khi bất chấp, coi thường tính mạng. Cụ thể, người điều khiển phương tiện lao động không thực hiện đúng quy trình vận hành, quy tắc an toàn; người quản lý thi công công trình, chủ máy móc, chủ đầu tư đưa vào sử dụng trang thiết bị không bảo đảm an toàn, công nghệ không phù hợp...
Luật sư Toàn cho biết tùy vào nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc xảy ra tai nạn, yếu tố lỗi và hậu quả mà có thể xem xét xử lý hình sự với các tội "Vô ý làm chết người", "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp", "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người", "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Thi công, xây dựng là một trong những ngành được ghi nhận là để xảy ra các vụ tai nạn lao động cao nhất. Do đó, cần chủ động phòng ngừa tai nạn lao động. Ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước thì chủ thầu, chủ đầu tư dự án và người lao động cũng có vai trò rất quan trọng.
"Người lao động phải tuân thủ nghiêm ngặt mọi nội quy lao động của công trường; kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng của dụng cụ, máy móc, trang thiết bị trước khi làm việc; tuân thủ các hướng dẫn khi sử dụng dụng cụ… Chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn, giám sát phải thường xuyên nhắc nhở, giám sát, quản lý hoạt động an toàn cho người lao động, tổ chức tập huấn an toàn lao động... Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định, nhất là khi có dấu hiệu, thông tin, phản ánh của người dân, báo chí về tình trạng mất an toàn. Phải lấy phòng ngừa là chính, không được để đến khi xảy ra tai nạn rồi mới lo tìm cách khắc phục hậu quả và tìm người chịu trách nhiệm" - luật sư Toàn nhấn mạnh.
Chỉ kiểm định độ an toàn của cần cẩu
Theo một chuyên gia về pháp luật lao động, cần cẩu chỉ được kiểm định an toàn khi bắt đầu lắp đặt ở công trình. Trong quá trình hoạt động nâng trục, người điều khiển hoặc đơn vị quản lý có tuân theo những yêu cầu nghiêm ngặt của quy định an toàn lao động hay quy định của nhà sản xuất thiết bị hay không thì chưa được kiểm soát. Cơ quan kiểm định chỉ kiểm định độ an toàn của hoạt động cần cẩu, còn phần đất đặt chân đế khi cần cẩu nâng độ cao thì chưa thấy quy định. Quá trình cần cẩu "leo tầng", luật cũng chưa quy định cơ quan nào phải chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra an toàn.
Bình luận (0)