Ngày 17-3, Công an thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cho biết “siêu trộm nhí” Thân Thị Thùy Trang (SN 2001, thường trú tại xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã được mẹ bảo lãnh về. Đây ít nhất đã là lần thứ sáu Trang bị bắt và được công an thả về vì hành vi trộm xe đạp điện.
Một ngày trộm 2 chiếc xe đạp điện
Trước đó, trưa 14-3, “siêu trộm” này mang khẩu trang, mặc đồng phục học sinh lảng vảng trước cổng Trường Tiểu học Tân Phước Khánh A. Khi thấy em Võ Quỳnh Huy (SN 2003) dựng xe đạp điện trước cổng trường để vào trong đón em đi học về thì Trang liền bẻ khóa, trộm xe. Trang bị các “hiệp sĩ” địa phương phát hiện, rượt bắt và bàn giao công an.
Đáng nói, trước đó 9 ngày, tức 5-3, cũng vì trộm xe đạp điện tại phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, Trang đã bị tóm. Hôm đó, có người đã chở Trang bám đuôi một học sinh nam tên Đoàn Anh Tuấn từ chỗ học thêm về tận nhà tại phường Phú Hòa. Trang liều lĩnh đi vào cổng rồi dắt xe đạp điện ra chạy mất. Người nhà Tuấn phát hiện, hô hoán. “Hiệp sĩ” phường Phú Hòa tuần tra gần đó bao vây, tóm được Trang cùng tang vật.
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, là người nhẵn mặt Trang. Trong 6 lần “siêu trộm” này bị bắt thì anh Hải đã tham gia 4 lần. Cụ thể, năm 2010 (lúc Trang 9 tuổi), Trang bị các anh bắt và bàn giao Công an phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một sau khi đột nhập nhà dân trộm xe đạp điện. Tiếp đó, năm 2011 rồi 2013, Trang tiếp tục trộm xe đạp điện và bị “hiệp sĩ” bàn giao cho Công an phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một và Công an xã Tân Hiệp, huyện Tân Uyên. Riêng Công an phường Tân Phước Khánh cũng đã bắt Trang 2 lần.
Trang từng khai nhận bình quân 1 ngày mình trộm 2 xe đạp điện, bán được khoảng 8 triệu đồng. Tuy nhiên phần lớn tiền bán xe, “siêu trộm” phải đưa cho chị ruột - người đã từng bị bắt khi đi trộm xe đạp điện với Trang nhưng do đang nuôi 2 con nhỏ nên chưa bị giam giữ.
Xử lý nửa vời
Trao đổi với chúng tôi về cách xử lý Trang sau khi bắt quả tang trộm xe đạp điện, một cán bộ Công an thị trấn Tân Phước Khánh nói: “Chúng tôi rất đau đầu vì đã bắt Trang 2 lần nhưng lần nào cũng buộc phải thả, không xử lý hình sự cũng như hành chính được vì chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm”. Theo sổ hộ khẩu, giấy khai sinh mà bà Thân Thị Thanh (51 tuổi, mẹ của Trang) cung cấp cho công an thì Trang sinh ngày 3-4-2001. Theo cán bộ công an này, luật mới quy định cơ quan đủ thẩm quyền đưa trẻ vào trường giáo dưỡng là tòa án chứ không phải công an.
Trong khi đó, đại úy Phạm Ngọc Bình, Công an phường Phú Hòa (người trực tiếp xử lý vụ Trang bị bắt ngày 5-3), từ chối trao đổi chi tiết với phóng viên về quá trình giải quyết vụ việc. Một “hiệp sĩ” giấu tên cho biết có công an tỏ thái độ không muốn tiếp nhận xử lý khi các anh bàn giao Trang. “Đáng lẽ công an phải răn đe, làm việc cụ thể với mẹ Trang vì sao để cháu đi trộm hoài. Thậm chí, đề xuất kết hợp với Công an huyện Trảng Bom mở rộng điều tra xem thử có ai buộc Trang trộm cắp hay không. Nếu có thì phải xử lý chứ không thể để cháu trượt mãi trong tội lỗi” - “hiệp sĩ” này nói.
Truy cứu trách nhiệm của người lớn
Luật sư Thái Thanh Hải, Phó Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, cho biết cơ quan công an hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm dân sự đối với cha mẹ Trang. “Nếu công an chứng minh được Trang trộm xe đạp điện của người khác bán lấy tiền tiêu xài thì mẹ cháu phải có trách nhiệm bồi thường cho bị hại. Nếu có dấu hiệu “siêu trộm” bị người lớn chỉ đạo thì công an phải mở rộng điều tra, xử lý hình sự những đối tượng này”. Theo luật sư Hải, các đoàn thể như hội phụ nữ, mặt trận… cũng có trách nhiệm uốn nắn, giáo dục Trang trở lại làm người tốt chứ không thể bỏ mặc.
Bình luận (0)