Ngày 1-4, ông Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh Quảng Nam, cho biết đang tìm cách đưa 2 thanh niên vừa trốn thoát khỏi bãi vàng ở huyện Phước Sơn và huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam về quê.
Lao động khổ sai giữa rừng
Cả 2 thanh niên là người Mường, đều nhỏ thó, gầy đen, nước da xanh tái, tên là Phạm Văn Hảo (17 tuổi) và Phạm Văn Cường (19 tuổi, cùng ngụ thôn Cao Xuân, xã Ngọc Khuê, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Đã mấy ngày rồi mà cả 2 vẫn chưa hết lo sợ về những tháng ngày bị đày ải tại bãi vàng.
Cường kể: Ngày 19-2, cả 2 cùng 38 lao động khác ở địa phương được một người đàn ông tên là Ảnh (ở cùng quê) đưa vào xã Phước Thành, huyện Phước Sơn làm vàng cho chủ bãi tên là Năm Lực. Theo thỏa thuận, mỗi người được nhận 4 triệu đồng/tháng nhưng phải làm việc đủ 6 tháng mới được trả tiền. Sau gần 1 tháng lao động khổ sai, không chịu đựng nổi cực nhọc nên 10 người xin chủ bãi về nhà. Chủ bãi đồng ý nhưng không cho ai một đồng nào!
Trên đường từ xã Phước Thành về thị trấn Khâm Đức (tỉnh Quảng Nam), những người trên gặp một người đàn ông khác cũng ở Thanh Hóa dụ dỗ sang làm việc tại bãi vàng ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh. Tại đây, cả nhóm được phân công làm ca tối từ 18 giờ 30 phút đến 5 giờ sáng, chỉ được nghỉ ngơi khoảng 1 giờ. “Khi đi, người đàn ông này hứa sẽ đối đãi tốt, không bắt làm việc nặng. Thế nhưng, công việc ở đây còn nặng hơn cả ở Phước Sơn. Tụi em phải khiêng vác máy móc, xúc đất, đãi cát... quần quật từ tối đến sáng, khi bị bệnh họ cũng ép làm việc” - Cường rơi nước mắt.
Làm việc chưa đầy 10 ngày, không ai còn sức để tiếp tục chịu sự đày ải. Trưa 27-3, sau bữa cơm, Cường, Hảo cùng 8 người bạn cắt rừng, băng núi đi mãi về hướng Bắc. Chỉ khi trời tối, đói bụng, cả nhóm mới dám tìm đến nhà người dân xin ăn, khát thì uống nước trong rừng. Đến khoảng 17 giờ ngày 28-3, cả nhóm đến được xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước thì bị người của chủ bãi vàng truy lùng, đuổi đánh. Trong lúc chạy trốn, Cường và Hảo được người dân cứu giúp, đưa đến công an xã. Những người còn lại trong nhóm cũng trốn thoát, hiện một số đã về quê, số còn lại tiếp tục đón xe vào Tây Nguyên tìm việc.
Gia cảnh quá khó khăn
Cường kể thêm: Trong nhóm 40 người từ Thanh Hóa theo ông Ảnh vào Phước Sơn làm vàng có khoảng 15 người cùng lứa và nhỏ tuổi hơn Cường. Tại bãi vàng ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh cũng có nhiều người rất trẻ, ngày đêm phải cày ải phục vụ chủ bãi. Họ luôn bị các chủ bãi ngược đãi, khi nào cũng sống trong lo sợ.
Liên lạc qua điện thoại, mẹ Cường là bà Lê Thị Yêu (54 tuổi) cho biết gia đình bà có tất cả 9 người con. Cường là con út, đã có vợ; vợ Cường đang mang thai. Bố Cường năm nay đã 64 tuổi, rất yếu, không tìm được việc, trong khi mẹ Cường bị thoái hóa khớp nên gia đình rất khó khăn. “Nghe tin con đi làm bị hành hạ, tôi đau từng khúc ruột. Tôi liên lạc với trung tâm nhờ họ đưa con tôi về quê. Ở đây, tôi vay mượn tiền rồi gửi lại nhà xe chứ nhà không có tiền nên không vào đón con được” - bà Yêu rầu rĩ.
Ông Nguyễn Văn Thoại, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh Quảng Nam, cho biết đơn vị đang vận động quyên góp từ thiện giúp đỡ Cường và Hảo một khoản tiền để về quê. Thậm chí, trung tâm sẽ trực tiếp cử người đưa các em về tận nhà.
Đề nghị truy quét bãi vàng trái phép
Ông Nguyễn Thế Anh cho biết trung tâm tiếp nhận 2 em vào trưa 29-3 trong tình trạng sức khỏe yếu, nóng sốt, thường xuyên lên cơn co giật, tâm lý rất hoảng loạn. Đến nay, được sự chăm sóc, động viên của cán bộ trung tâm, sức khỏe 2 em đã dần phục hồi.
“Nhân đây, tôi mong các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam tăng cường xử lý nạn khai thác vàng trái phép trên địa bàn để tránh tình trạng lao động trẻ bị bóc lột, ngược đãi” - ông Anh đề nghị.
Bình luận (0)