Hiện nay, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xả rác, tiểu bậy, hút thuốc nơi công cộng… là khá nặng, tùy vào mức độ lỗi mà có thể bị phạt lên đến 7 triệu đồng.
Quy định không thiếu
Cụ thể, Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính liên quan đến hành vi xả rác, vứt mẩu thuốc lá, tiểu tiện nơi công cộng… tại điều 20 như sau:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.
Dù Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các cơ quan thẩm quyền tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định nhưng khẩu trang y tế đã qua sử dụng vẫn bị vứt bỏ đầy gốc cây trước cổng cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương (quận 10, TP HCM) Ảnh: TRẦN THÁI
Đối với hành vi không chấp hành các biển báo giao thông, tụ tập tại nơi có biển báo cấm tụ tập, dừng, đỗ trên cầu… của người điều khiển xe máy, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tùy theo mức độ mà bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 600.000 đồng.
Thế nhưng, từ khi các nghị định này có hiệu lực thi hành đến nay, các hành vi tụ tập ngay dưới biển cấm, trên hè phố, trên cầu, xả rác nơi công cộng… diễn ra công khai, thường xuyên nhưng hiếm thấy trường hợp bị chế tài, xử phạt nghiêm. Lực lượng chức năng thực thi quy định pháp luật chưa triệt để; thậm chí có trường hợp chính quyền địa phương còn nghĩ rằng việc xử phạt hành vi này là của cơ quan khác, không phải của mình, đã vô tình "khuyến khích" người dân thản nhiên vi phạm điều cấm. Thực tế chứng minh chỉ cần lực lượng chức năng xử phạt một số trường hợp cụ thể, nghiêm minh và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng thì đã lập tức tác động đến nhận thức của nhiều người.
Cơ quan thực thi phải quyết liệt
Hiện nay, tình trạng nhiều người tụ tập họp chợ, lấn chiếm lòng lề đường, xả rác nơi công cộng… trở nên khá phổ biến, thành "chuyện thường ngày ở huyện". Nhiều người nghĩ rằng việc xả rác là chuyện nhỏ mà không hiểu rằng chính thói quen này đã và sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Đơn cử, việc vứt rác vào miệng cống thoát nước chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập nước. Nhiều người đổ lỗi thiếu thùng rác công cộng nhưng đó chỉ là cái cớ cho những người thiếu ý thức. Bởi tại TP HCM và các đô thị lớn, thùng rác công cộng đã được lắp trên nhiều tuyến phố nhưng nhiều người không bỏ vào mà lại vứt dưới đất, kế bên thùng rác. Thậm chí, ngay kế bên thùng rác là bãi tập kết rác tự phát. Điều này cho thấy ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, đường phố của một bộ phận cư dân quá kém.
Hay việc tụ tập, ngang nhiên họp chợ trên cầu, vỉa hè… gây ùn tắc giao thông, uy hiếp an toàn giao thông công cộng, an ninh trật tự. TP HCM đã nhiều năm ra quân lập lại trật tự lòng lề đường nhưng sau nhiều cuộc ra quân rầm rộ, mọi việc đâu lại vào đấy. Tình trạng này trong nhiều năm đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân TP.
Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức, cơ quan chức năng cần xử phạt thật nghiêm và thường xuyên mới mong những người vi phạm chấp hành pháp luật. Phải kiên quyết xử phạt, không nương nhẹ bất kỳ hành vi vi phạm nào. Đừng để các chế tài nghiêm khắc nằm trên giấy, các biển cấm có cũng như không mà hãy áp dụng vào cuộc sống mới hy vọng thay đổi ý thức của một bộ phận cư dân.
Xây dựng ứng dụng trên điện thoại thông minh
Luật sư Nguyễn Anh Minh (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng mỗi năm mức xử phạt về các vi phạm đối với hành vi ý thức ngày càng tăng. Tuy nhiên, thực tế việc áp dụng các quy định pháp luật hiện vẫn chưa thật sự đi vào đời sống. Một bộ phận người dân dường như đã quen và chấp nhận sống chung với hành vi phản cảm. Ví dụ, dừng ở một ngã tư, khi đèn xanh chưa bật, phía sau đã bóp còi thúc giục. Đúng ra đây là hành vi phản cảm, sai trái nhưng mọi người chẳng ai lên tiếng, cứ thế bỏ qua.
Ngoài ra, cơ quan chức năng chưa cho thấy sự kiên quyết cũng như không đủ nhân lực trong công tác phát hiện, xử lý để tạo sự răn đe. "Hai năm trước, TP HCM đẩy mạnh chiến dịch xử lý lấn chiếm vỉa hè tạo hiệu ứng lan tỏa, ai cũng e ngại khi lấn chiếm vỉa hè. Còn bây giờ, mọi thứ về lại như cũ. Hay Nghị định cấm hút thuốc ở nơi công cộng ban hành năm 2013 rồi đến năm 2014 và sau đó năm 2017 nhưng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra như chưa từng có quy định cấm" - luật sư Minh bày tỏ.
Bà Hứa Thị Hồng Đang, Chủ tịch UBND quận Tân Phú (TP HCM), cho biết để giải quyết các vi phạm hành chính liên quan đến ý thức công cộng, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cán bộ phụ trách địa bàn địa phương, nên xây dựng ứng dụng phản ánh trên điện thoại thông minh. Sau khi nhận được phản ánh của người dân trong vòng 30-60 phút, cán bộ có mặt ở hiện trường để kiểm tra và báo cáo kết quả xử lý. Việc này vừa giúp nâng cao vai trò giám sát trong người dân vừa lưu giữ lại bằng chứng tránh việc vi phạm rồi chối bỏ.
L.Phong
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-3
Bình luận (0)