Tiến sĩ Đặng Đình Đoan, cán bộ Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên, cho rằng tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam theo quy luật chứ không có gì bất thường. Điều đáng nói ở đây chính là việc ứng xử của con người trước thiên nhiên.
Phá rừng chắn sóng
Theo TS Đặng Đình Đoan, phân tích hiện trạng lòng dẫn hạ lưu sông Thu Bồn qua các thời kỳ (từ năm 1964-2013) cho thấy khu vực Cửa Đại không xảy ra hiện tượng xói lở hay bồi liên tục một khu vực xác định. Tình trạng xói lở xảy ra trong kỳ gió mùa Đông Bắc, sau đó bồi lắng trong kỳ gió mùa Tây Nam. “Việc xây kè một cách cục bộ của chính quyền địa phương và các nhà đầu tư đã khiến tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại trở nên nghiêm trọng như hiện nay” - TS Đoan nhìn nhận.
Với lượng bùn cát lơ lửng trong nước xấp xỉ 2 triệu tấn/năm, sông Thu Bồn luôn bổ sung bùn cát cho đoạn bờ biển lân cận vùng cửa sông. Khi dòng chảy ven bờ hướng Bắc - Nam chiếm ưu thế, các hạt bùn cát thô sẽ được chuyển về phía Nam, gây bồi ở bờ Nam Cửa Đại và ngược lại.
Người dân địa phương cho biết năm 1988-1989, bờ biển phía Bắc Cửa Đại từng bị xâm thực sâu hơn hiện nay cả trăm mét. Đến năm 2000, cửa biển này được thiên nhiên tự bồi lấp trở lại. Để giữ bờ biển, lúc bấy giờ, người dân đã trồng những cánh rừng thông và dương liễu chắn cát. Sau đó, khi TP Hội An quy hoạch khu vực thành khu resort và công viên công cộng thì chủ các resort đã phá đi những cánh rừng này, dẫn đến tình trạng biển ăn sâu vào đất liền như hiện nay.
Chỉnh trị cửa biển: Không dễ
Lý giải hiện tượng cửa biển Thuận An, tỉnh Thừa Thiên - Huế sạt lở nặng nề, nhiều nhà khoa học cũng khẳng định có sự tác động rất lớn của con người. Theo dự án xây dựng công trình xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở bờ biển Thuận An - Hòa Duân - Hải Dương của Công ty Tư vấn xây dựng cảng và đường thủy, việc thay đổi luồng lạch thường xuyên tại cửa Thuận An làm suy giảm khả năng thoát lũ, tăng nguy cơ tai biến tự nhiên, xâm thực bờ biển...
Để chỉnh trị luồng lạch, hạn chế xói lở tại cửa Thuận An, năm 2008, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hoàn thành giai đoạn 1 dự án xây dựng mỏ hàn (một kiểu đê chắn sóng) bằng bê-tông hai bên cửa biển này. Mỏ hàn ở phía Bắc (tại xã Hải Dương) dài 625 m, mỏ hàn phía Nam (tại thị trấn Thuận An) dài 325 m nhô ra biển.
Theo ghi nhận của các nhà khoa học, từ khi 2 mỏ hàn này hoàn thành, phía thị trấn Thuận An lượng cát bồi đắp nhiều, còn phía xã Hải Dương lại bị sạt lở nghiêm trọng kéo dài gần 1.000 m, luồng lạch cũng không ổn định... Trước tình hình sạt lở tại xã Hải Dương, tỉnh Thừa Thiên - Huế phải chi gần 49 tỉ đồng để làm bờ kè. Tuy nhiên, khi bờ kè này đang thi công thì cách đó 3 km, tình trạng sạt lở bờ biển lại xuất hiện trầm trọng tại xã Quảng Công, huyện Quảng Điền.
TS Trần Hữu Tuyên, Trưởng Khoa Địa lý - Địa chất Trường ĐH Khoa học Huế, cho rằng về nguyên tắc, nơi nào sạt lở thì phải chỉnh trị, làm mỏ hàn, tường chắn sóng, xây kè dẫn dòng... và phải được đầu tư quy mô, thống nhất trong một giai đoạn. Song, phần lớn dự án ở nước ta lại ít vốn, làm qua nhiều giai đoạn nên hiệu quả chống bồi tụ, sạt lở bờ biển không cao, đôi khi khiến tình hình trầm trọng hơn.
“Việc nạo vét luồng lạch không hề đơn giản vì làm ở quy mô nhỏ thì bồi lắng sẽ nhanh chóng trở lại. Còn nạo vét lớn mà không có kè dẫn dòng hai bên cửa phù hợp thì sẽ dẫn đến sạt lở” - ông Tuyên nhấn mạnh.
Sóng đánh sập nhà, hư đường ở Nha Trang, Phú Yên
Khoảng 20 giờ ngày 22-12, sóng biển bất ngờ dâng cao kết hợp với triều cường đã đánh sập 20 căn nhà chồ sát cửa biển thuộc phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Tối cùng ngày, những con sóng biển cao đến 4 m liên tục đánh vào xóm Rớ, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Gần 100 hộ dân sống ven biển đã phải nháo nhào chạy thoát thân trong đêm. Sóng mạnh đã làm sạt lở hoàn toàn đường Đinh Tiên Hoàng, nơi ngăn cách giữa kè biển và nhà dân với chiều dài khoảng
500 m. Tuyến kè chắn sóng ở đây cũng bị sóng đánh tan hoang. Sóng biển còn làm sập 3 căn nhà và hàng rào của 31 hộ dân. H.Ánh - K.Nam
Bình luận (0)