Sau hơn 1 năm thực hiện, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đang được xem xét sửa đổi, bổ sung việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ- đường sắt. Cần biện pháp mạnh hơn với một số vi phạm để tăng tính răn đe, tạo cơ sở pháp lý và quy trình cho lực lượng thực thi công vụ.
Theo quy định hiện hành tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP: "Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người điều khiển môtô, xe máy (kể cả xe máy điện)... điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều); điều khiển xe đi qua dải phân cách cố định ở giữa 2 phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà".
Hay mức xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội nhưng không cài quai đúng quy cách với người đi môtô, xe máy từ mức 200.000 đồng.
Thực tế, tình trạng vi phạm giao thông rất phổ biến, dễ thấy nhất tại nhiều thành phố lớn vào giờ cao điểm, với các hành vi như: chạy xe máy lên vỉa hè, phóng nhanh, lạng lách, lấn làn, lưu thông ngược chiều… Nhiều ý kiến cho rằng vi phạm luật giao thông do ý thức kém nhưng lý giải như vậy có lẽ chưa đủ, bởi ngoài ý thức cá nhân thì việc quản lý và cá nhân được giao thực thi pháp luật rất quan trọng. Xử phạt vi phạm giao thông chưa đủ chế tài hoặc bỏ qua những lỗi vi phạm dù nhỏ cũng có thể dẫn đến tâm lý hoài nghi, pháp luật bị xem thường.
Vì vậy, trước tiên cần có biện pháp mạnh hơn để chấm dứt hẳn vi phạm giao thông. Đó là tăng nặng mức phạt tất cả các vi phạm thường thấy như lấn tuyến, chạy ngược chiều, đi sai làn đường, chạy xe lên vỉa hè, dừng xe không đúng vạch, vượt đèn đỏ... Khi ý thức còn yếu kém, xử lý nghiêm vi phạm may ra mới cải thiện theo hướng tích cực. Không nên lấy lý do thu nhập đầu người còn thấp, mức phạt cao sẽ gây khó khăn cho nhiều người. Bởi thực tế, biện pháp mạnh đã giúp các nước giảm thiểu tai nạn, ngăn chặn vi phạm giao thông. Hãy nghĩ làm thế nào để không vi phạm chứ đừng bàn phạt ít hay nhiều. Nếu không vi phạm, đâu có sợ mức phạt.
Với sửa đổi lần này, nghị định cần nêu cao vai trò của công dân, lực lượng thực thi. Không bắt quả tang nhưng có phản ánh, chứng cứ hay hình ảnh cho thấy vi phạm đều bị phạt. Tùy mức độ vi phạm, có thể áp dụng điều khoản phù hợp, thậm chí tước bằng lái, buộc lao động công ích, đưa hình ảnh vi phạm và trong lúc lao động công ích lên truyền thông đại chúng để răn đe. Ngoài ra, cảnh sát giao thông hãy quyết liệt, không làm ngơ trước các vi phạm, kể cả giờ cao điểm.
Bình luận (0)