Ngày 1-1-2018, Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 bắt đầu có hiệu lực. Theo điều 260 (tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ), người tham gia giao thông đường bộ sai luật, nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 7 đến 15 năm.
"Ai cũng làm vậy thôi" (!)
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên trên địa bàn TP HCM, tình trạng người dân băng qua đường sai luật, cắt ngang hướng di chuyển của phương tiện giao thông khác, leo dải phân cách, vượt hàng rào để qua đường… xảy ra khá phổ biến.
Trong 30 phút đứng tại đường Điện Biên Phủ, đoạn trước cổng Trường ĐH Công nghệ TP HCM (quận Bình Thạnh), phóng viên ghi nhận cả trăm trường hợp qua đường sai luật. Họ bất chấp nguy hiểm vượt qua dòng phương tiện đông nghịt để tiết kiệm chưa đầy 5 phút đi bộ. Nhiều trường hợp ô tô đổ dốc cầu không kịp thắng, buộc phải bẻ lái suýt đâm phương tiện khác. Cũng có trường hợp, người đi bộ hốt hoảng rồi loạng choạng lao vào các phương tiện lưu thông...
Thẳng tay vứt rác xuống miệng cống thoát nước Ảnh: SỸ HƯNG
Khi được hỏi về hành vi băng qua đường sai luật, anh Nguyễn Văn Hiếu (sinh viên) bao biện: "Mỗi lần tan học muốn qua trạm xe buýt, phải đi vòng khá xa, còn băng qua đường thì tiết kiệm được thời gian. Hơi nguy hiểm nhưng riết rồi quen. Với lại, ngày nào tôi với bạn bè cũng đi qua lại nhiều lần như vậy, có thấy ai phạt gì đâu?".
Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 1-2-2017, trong đó quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 7 triệu đồng cho hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt nơi công cộng, hệ thống thoát nước thải, hệ thống thoát nước mặt; phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định. Sáng 5-1, chúng tôi rảo quanh một số tuyến đường như Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu (quận 3), Xô Viết Nghệ Tĩnh, Lê Quang Định, Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh), Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức)... và không khó để bắt quả tang nhiều người có hành vi vứt rác bừa bãi xuống đường, trước miệng nắp cống thoát nước. Khi được hỏi, một chủ quán cà phê trên đường Tô Ngọc Vân thản nhiên: "Ở đây, ai cũng làm vậy cả, một mình tôi có giữ gìn thì cũng vậy thôi".
Trưa 4-1, phía sau nhà thờ Huyện Sĩ (góc đường Lương Hữu Khánh - Nguyễn Trãi, quận 1), quan sát trong 30 phút, chúng tôi bắt gặp khoảng 10 người đến tiểu tiện vào bờ tường, chân trụ biến áp điện. Dường như chẳng mấy ai quan tâm đến những tấm biển: "Cấm vứt rác, tiểu tiện nơi tôn nghiêm" ở xung quanh đó.
Còn tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận 3), bất chấp những biển cấm câu cá, nhiều người vẫn tụ tập thả câu. Ông Địch (ngụ quận 12) cho hay sáng nào cũng đi cùng bạn đến đây câu cá. "Tôi câu để giải trí thôi, chứ tuổi già ở nhà buồn lắm. Câu được con cá nào tôi đều thả hết, phạt sao được" - ông Địch nói.
Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 5-1, khi nhóm 3 người đang đứng câu cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bất ngờ bị lực lượng Công an phường 11 (quận 3) ập đến thu giữ cần câu, bắt cam kết không tái phạm. Lúc này, một nam thanh niên trong nhóm chỉ tay sang một số người khác đang câu cá ở bên kia kênh: "Sao mấy ông không xử lý nhóm người kia đi. Câu cá giải trí thôi, có gì đâu mà phạt?". Tuy nhiên, lực lượng chức năng chỉ thu giữ cần câu cá, không lập biên bản xử phạt khiến một số người đi đường bức xúc. "Xử lý kiểu này khác nào bắt cóc bỏ dĩa. Lấy cần câu này thì ngày mai họ mua cái khác. Phải làm mạnh tay mới răn đe người vi phạm được" - ông Nguyễn Văn Lợi (ngụ quận 3) nói.
Luật phải mang hơi thở cuộc sống
Vì sao nhiều luật mới, quy định mới được ban hành nhưng chỉ tồn tại trên văn bản, người dân vẫn vô tư vi phạm? Theo luật sư (LS) Trần Bá Học (Đoàn LS TP HCM), việc ban hành luật mới nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong cuộc sống nhưng trên thực tế, nhiều luật ban hành không phù hợp với thực tiễn, sửa đổi liên tục.
Vô tư tiểu tiện nơi công cộng Ảnh: QUỐC CHIẾN
Cũng theo LS Học, vấn đề chuyên môn của những người soạn thảo quyết định tất yếu đến hiệu quả của việc ban hành luật. Người xây dựng pháp luật quy chuẩn, đạt chất lượng đòi hỏi phải có chuyên môn và chỉ chuyên làm nhiệm vụ nghiên cứu, soạn thảo luật. Ngoài ra, các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành đôi khi không hướng dẫn đúng tinh thần của văn bản luật mà hướng dẫn theo cách hiểu của ngành mình đang quản lý dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn nên không thi hành được.
"Luật tác động trực tiếp đến những con người, tổ chức cụ thể nên nhất thiết phải tham khảo ý kiến người dân, nếu không văn bản đó sẽ không mang hơi thở của cuộc sống" - LS Học nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, LS Hà Ngọc Tuyền (Đoàn LS TP HCM) cho rằng việc ban hành luật không thể chỉ đơn giản là làm đúng quy trình. Cần xem xét lại chất lượng của việc lấy ý kiến người dân trước khi ban hành luật. Những quy định, điều luật "trên trời" nhiều khi sẽ phản tác dụng.
Ngoài ra, LS Tuyền cho rằng công tác phổ biến và giáo dục pháp luật có vai trò quan trọng và phải thực hiện đầu tiên trong hoạt động thực thi pháp luật. "Trong lúc trông chờ ý thức chấp hành pháp luật của công dân được nâng cao lên thì điều quan trọng là trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm của cơ quan chức năng. Công tác tuyên truyền pháp luật chưa được thực hiện đến nơi đến chốn, việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước chưa nghiêm cũng là nguyên nhân dẫn đến hành vi ngang nhiên vi phạm pháp luật" - LS Tuyền nói.
Theo LS Nguyễn Văn Tiến (Đoàn LS TP HCM), sở dĩ một số luật, quy định chậm đi vào cuộc sống do không có văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành vào thời điểm luật có hiệu lực. Để áp dụng quy định của luật thì phải chờ ban hành các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư… Một số luật còn nhiều kẽ hở và lỗ hổng, các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, gây cản trở và đè nặng lên người dân, doanh nghiệp. Do đó, cần có giải pháp đồng bộ hóa hệ thống pháp luật, chi tiết hóa các văn bản luật, giảm thiểu các văn bản hướng dẫn thi hành. Nội dung phải thống nhất, toàn diện, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, cục bộ.
Cộng đồng phải cùng chung tay
Con người sống trong xã hội có phần chung và phần riêng. Phần riêng là ở trong nhà mình, phần chung là đường sá, giao thông, không gian công cộng… Trong phần chung đó, nếu mọi người muốn làm gì thì làm, xã hội sẽ rối loạn. Do đó, không thể suy nghĩ theo kiểu có phạt mới thực hiện bởi vì thực hiện đúng quy định pháp luật cũng đem lại lợi ích cho chính bản thân mỗi người.
Hiện việc tuyên truyền, vận động các quy định pháp luật vẫn đang còn theo kiểu nói suông, chưa đi sâu vào thực tế, nặng về khẩu hiệu. Để thay đổi nhận thức của một người thì cả cộng đồng phải cùng chung tay. Hình ảnh một cháu bé cầm rác bỏ vào thùng, một cụ già cầm vỏ lon bỏ đúng nơi quy định sẽ làm tăng nhận thức lên rất nhiều.
KTS KHƯƠNG VĂN MƯỜI (Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam)
Bình luận (0)