Trong 2 ngày 10 và 11-6, đoàn kiểm tra công tác an ninh của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã kiểm tra tại các sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP HCM) nhằm nhận diện và tìm giải pháp khắc phục tình trạng trộm cắp hành lý, tài sản của hành khách.
Khó tránh tình trạng hành lý bị rách, bật khóa
Có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất trong chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam sáng 11-6, một nữ hành khách phản ánh thùng hàng hóa của bà bị mở và mất một túi hàng nhỏ. Kết quả xác minh cho thấy thùng hàng do Cục An ninh nội địa Mỹ mở ra kiểm tra. Ông Cao Văn Thái, Phó trưởng Ban An ninh an toàn Tổng Công ty Cảng HKVN, cho biết quy định của Mỹ cho phép lực lượng an ninh hàng không được phép kiểm tra hành lý của khách nếu cần thiết hoặc có dấu hiệu nghi ngờ mà không cần sự có mặt của hành khách. Hành lý sau đó sẽ được dán bằng băng nhận biết của an ninh Mỹ.
Mở công hành lý và kiểm tra trực quan tại khu vực trả hành lý quốc tế đến ở cả hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, đều ghi nhận tình trạng nhiều hành lý bị mở nắp, rách, bung khóa… trước khi về đến cảng. “Do vận chuyển xa, qua nhiều trạm trung chuyển và va đập mạnh trong quá trình vận chuyển nên khó tránh khỏi tình trạng hành lý bị rách, bật khóa” - ông Đào Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục HKVN, giải thích.
Theo đánh giá của đoàn công tác, có nhiều khả năng dẫn đến tình trạng mất trộm, thất thoát hành lý của hành khách trên các chuyến bay và tại khu vực sân bay. Trong đó, tuy chưa phát hiện trường hợp nhân viên móc nối trộm cắp tài sản nhưng không loại trừ khả năng này có thể xảy ra. Ngoài ra, có thể có những tình huống như hành khách lấy đồ của nhau, bị mất đồ tại các điểm transit trước khi đến cảng nội địa, bị nhân viên nội bộ lấy…
Còn với trường hợp đồ đạc của hành khách bị mất trong máy bay hoặc khu vực sân bay, theo ông Cao Văn Thái, nhiều trường hợp được xác định là do hành khách bỏ quên và nhân viên dọn vệ sinh nhặt được nhưng không khai báo. “Đội ngũ nhân viên dọn vệ sinh nếu không được kiểm tra một cách sát sao thì chính là đối tượng có điều kiện để chuyển đồ bị đánh cắp, bỏ quên… ra ngoài nhiều nhất bởi họ có thể đưa tất cả đồ vào các thùng, các bao phục vụ việc dọn vệ sinh mà không kiểm soát được. Cần nghiên cứu sửa đổi quy trình bắt buộc khai báo cho người phụ trách ngay sau khi có phát hiện đồ bỏ quên của hành khách để tránh tình trạng chuyển đồ trót lọt ra ngoài” - ông Thái nói.
Lắp camera kiểm soát đường chuyền
Theo ông Cao Văn Thái, việc lắp camera để kiểm soát tại các đường chuyền, các vị trí nhạy cảm, dễ xảy ra mất mát sẽ có tác dụng ngăn ngừa hành vi trộm cắp hàng hóa. Đồng tình, ông Phạm Ngọc Tùng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thương mại Phục vụ mặt đất Tân Sơn Nhất, đề xuất cần duy trì các biện pháp đồng bộ, thường xuyên, trong đó có việc tuyên truyền cho hành khách không bỏ đồ quý hiếm trong hành lý thông thường.
Hiện nay, vẫn chưa phát hiện được vụ việc nào liên quan đến nhân viên lấy trộm hành lý của hành khách. Tuy nhiên, theo ông Tùng, việc truy tìm, bắt quả tang và xử phạt cá nhân vi phạm không phải là biện pháp cơ bản mà cần tạo ra môi trường để họ không có điều kiện vi phạm. Ông Tùng dẫn chứng tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nhờ triển khai hệ thống camera giám sát trên các khu vực băng chuyền nên trong quý I/2015, hành lý có liên quan đến thất thoát, mất cắp đã giảm 48%-50% so với cùng kỳ năm 2014, trong khi sản lượng vẫn tăng 12%.
Ông Hoàng Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm An ninh hàng không Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, cho biết hiện cảng có 87 máy soi chiếu với hơn 700 cán bộ, nhân viên. Cảng cũng đưa ra 10 biện pháp phòng ngừa và 7 tình huống cơ bản chống trộm cắp hành lý, tài sản của hành khách, như: Bắt quả tang; phát hiện hành lý bị rách, vỡ bất thường, hành lý xuống chậm hơn thời gian quy định…
Cân nhắc vi phạm nhân quyền
Theo ông Đào Văn Chương, Cục HKVN sẽ yêu cầu các cảng gắn camera ở hầm hàng, ở container chở hàng rời. Các cơ quan, đơn vị phải quản lý chặt nhân viên, khi có vụ việc xảy ra thì phối hợp giải quyết ngay. Ông Phạm Ngọc Tùng cho rằng phải lắp camera giám sát luôn cả khu vực để đồ riêng của nhân viên. “Chúng tôi cũng sẽ cân nhắc, xem xét việc lắp camera ở vị trí này có vi phạm nhân quyền và quyền của người lao động hay không ” - ông Tùng nói.
Bình luận (0)