Vui không thể tả
Ai cũng biết vì rào cản hộ khẩu (HK) mà rất nhiều người bị hạn chế khi đi tìm việc ở TP, mua bán nhà đất hoặc thực hiện một số quyền cơ bản. Quy định về HK tạo ra sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng xã hội. Học sinh đi học không có HK TP phải học hệ B. Người không có HK không được mua nhà ở TP... Và nhiều hệ lụy liên quan đến việc HK tỉnh hay thành để xin chỉ tiêu điện, nước; làm passaport … Cũng từ đó mà sinh ra nạn nhũng nhiễu, tham nhũng.
Thế nên, khi nghe Chính phủ quyết định bãi bỏ quy định về HK một bạn đọc nhận định: "Đáng lý HK, chứng minh nhân dân (CMND) phải được bỏ cùng với xóa bỏ bao cấp nhưng muộn còn hơn không!". Còn bạn đọc Nguoi dan mừng rỡ: "Tôi đăng ký tạm trú bị công an khu vực hành đúng 1 năm trời. Kỳ này khỏe rồi nha". Một bạn đọc khác cũng đồng tình: "Trời ơi, thật là vui không thể tả được. Người bị hành khi đi làm tạm trú mới hiểu được nỗi khổ của HK". Bạn đọc Vui quá reo lên: "Quá vui đi các bạn ơi. Khỏi bị khổ sở vì cái HK rồi". Có thể nói ý của bạn đọc Nguyễn Mạnh Cường cũng là ý của nhiều bạn đọc khác khi nghe lệnh mới này: "Hoan nghênh Thủ tướng! Thủ tướng luôn cầu thị, ra chính sách rất hợp lòng dân và luôn có tư tưởng tiến bộ. Chúc ông thành công!".
Còn nhiều băn khoăn
Dù lệnh mới đã có nhưng nhiều người vẫn còn băn khoăn vì không biết sẽ phải thực hiện như thế nào khi sẽ có nhiều thứ thay đổi liên quan nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. Bạn Lê Diễm nghi ngại: "VN có 90 triệu dân, vậy mã số định danh cá nhân mỗi người có bao nhiêu chữ số? Bỏ hộ khẩu, CMND thì những giấy tờ liên quan như giấy đăng ký kết hôn ... sẽ sửa lại như thế nào? Việc chia đất đai khi ly hôn hoặc thừa kế chẳng hạn? Hay là không phải bỏ mà là chuyển thành sổ HK điện tử, khai sinh điện tử. Căn cước ngày xưa, căn cước bây giờ hay CMND có khác gì nhau? Tôi nghĩ HK và CMND kèm với khai sinh là 3 loại giấy tờ cơ bản chứng minh thân thế 1 người. "Bỏ' sẽ kéo theo nhiều giấy tờ khác liên quan. Rườm rà quá không tốt nhưng giản lược quá cũng chưa hẳn là được đâu. Cẩn trọng kẻo đổi qua rồi đổi lại thì phiền hà hơn gấp trăm lần. Như kỳ thi THPT và thi Đại học vậy. Gộp chung tưởng giảm chi phí, ai ngờ còn tốn kém hơn...".
Do đã quá quen với nhiều giấy tờ và thủ tục nên nhiều người khó có thể hình dung cách giải quyết để có thể có loại mã số định danh cá nhân "n trong 1" đó như thế nào. Bạn đọc Nguyen Kim Hoàng cũng lo lắng: "Tôi lo ngại sẽ "mọc" ra sổ khác tương tự như HK và lại bị hành tiếp. Vì đã từ lâu, nhiều thứ định mức như điện, nước phải dựa vào sổ HK, sổ tạm trú. Ngành điện, nước không bao giờ bỏ định mức nhé! Rồi đi học phải đúng tuyến (bậc mầm non, tiểu học) Vừa rồi, dù số lượng người đăng ký cấp căn cước công dân chưa đông nhưng vẫn xảy ra chuyện "hết phôi căn cước" (!?) khiến nhiều người phải chờ suốt nhiều tháng, cuộc sống đảo lộn vì không giao dịch được với ngân hàng, làm giấy tờ nhà,.... Bãi bỏ thì mừng. Thế nhưng khâu tổ chức thực hiện thì gian truân lắm! Kinh nghiệm cho thấy rồi".
Vô cùng thuận tiện
Trong khi chờ các văn bản hướng dẫn cách làm cụ thể, bạn đọc H. nhận định: "Bỏ là đúng rồi, vô cùng thuận tiện cho người dân, mỗi người một mã số theo suốt cuộc đời, trong đó lý lịch được theo dõi qua điện tử, thuận tiện cho việc quản lý của nhà nước chỉ thông qua một cái thẻ nhỏ gọn ai cũng mang theo trong bóp, tránh được giả mạo... Chưa làm thì nhiều người thấy khó, nhưng khi quen rồi thì thấy hợp lý. Các nước tiên tiến đều áp dụng rất hiệu quả, cứ mạnh dạn mà làm".
Bình luận (0)