Sáng 1-7, từ TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, vượt hơn 100 km, chúng tôi tiếp cận được nơi người dân cho rằng bò tót xuất hiện liên tục những ngày qua. Đó là khu vực rẫy Ông Chơn, chỉ cách khu dân cư thôn Đồng Hội, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, khoảng 1 km.
Tan hoang hoa màu
Tại 2 rẫy bắp của ông Trần Văn Bình và ông Trần Đình Cường ở thôn Đồng Hội, đầy những dấu chân bò với 2 kích cỡ khá lớn, khoảng 15 cm và 20 cm. Theo ông Bình, khoảng 3 tuần qua, có 2 con bò tót, một con có trọng lượng khoảng 700 kg và một con có trọng lượng khoảng 1 tấn, thường xuyên xuất hiện vào ban đêm để phá hoại hoa màu. “Chúng dạn dĩ lắm, rọi đèn pin cũng không chạy. Chúng tôi biết bò tót rất hung dữ, đây lại là động vật hoang dã quý hiếm nên không dám làm gì, chỉ canh đuổi từ xa để giữ hoa màu” - ông Bình nói.
Thửa bắp của ông Bình cây còn nhỏ nên chưa bị bò phá hoại nhiều, trong khi thửa bắp của ông Cường cây đã trổ bắp nên đêm nào 2 con vật trên cũng mò về. Một vạt bắp lớn trên diện tích 1.000 m2 của ông Cường bị phá sạch. Khoảng 2.500 m2 còn lại cũng bị bò giẫm, ăn nham nhở. Dưới nền đất chi chít dấu chân bò.
Không chỉ phá hoại hoa màu, cách đây khoảng 10 ngày, 2 người ở thôn Đông Hội là ông Trần Minh cùng con rể may mắn thoát chết khi bị bò rượt đuổi trong rẫy. “Đêm ấy, khi cha con tôi chạy xe máy thì gặp con bò tót to đi trước mặt. Thấy chúng tôi, nó lao đến như tên bắn. Con tôi sợ quá lao xe xuống rẫy mía, thoát chết” - ông Minh kể lại.
Ngay sau khi có tin bò tót vào làng phá rẫy dân, đêm 29-6, ông Đặng Chí Hậu, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1, theo người dân lên rẫy nắm rõ thực hư. Đến rạng sáng 30-6, ông tận mắt thấy một con bò lớn vào rẫy ăn bắp. “Xem kỹ ảnh trên internet, tôi khẳng định đây chính xác là bò tót. Đó là một con bò lông đen, cặp sừng dài đến 40 cm, cong vút, rất đẹp. Đặc biệt là 4 cẳng chân có màu trắng thì không lẫn vào đâu được” - ông Hậu khẳng định.
Hậu quả của phá rừng?
Ông Lê Quốc Hải - Trưởng thôn Đồng Hội, xã Xuân Quang 1 - cho biết đã báo cáo lên xã và Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân để có biện pháp bảo vệ hoa màu cho dân cũng như bảo vệ loài động vật hoang dã quý hiếm này. Theo ông Vũ Công Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân, hạt đã cử cán bộ đến nơi con vật xuất hiện để nắm tình hình. Tuy nhiên, đến thời điểm này, do không có thiết bị chuyên dụng nên hạt cũng chỉ dừng lại ở việc ghi nhận có xuất hiện con vật lạ, to lớn, màu đen chứ chưa thể khẳng định là bò tót. Ông Tâm còn cho biết những con vật này từng được người dân phát hiện trong khoảng 3 năm trở lại đây. Vào thời điểm mùa khô, khi thiếu thức ăn, nước uống, chúng phải rời rừng để xuống rẫy.
Với người dân địa phương, đây là bò tót chứ không phải con vật lạ nào khác. Do đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác định, kết luận chính thức để có biện pháp bảo vệ phù hợp. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người cao tuổi ở xã Xuân Quang 1 khẳng định trước đây ở khu vực rừng núi Đồng Hội, bò tót có cả đàn, khoảng vài chục con, chủ yếu quần cư nơi rừng sâu. Năm 2007, người dân ở đây đánh bẫy và bắt được 2 con nhưng không biết là động vật quý hiếm nên đem về xẻ thịt.
Sẽ xác minh, có biện pháp bảo vệ
Ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, cho biết sáng 1-7, chi cục tổ chức họp bàn biện pháp tiếp cận, ghi hình để định dạng, xác định chính xác loài vật mà người dân cho là bò tót. “Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai xác minh, để có biện pháp bảo vệ hoa màu và bảo vệ loài vật nghi là động vật hoang dã quý hiếm” - ông Công nhấn mạnh.
Bình luận (0)