Trưa 30-5, kể với phóng viên Báo Người Lao Động, chị H.T.H. (SN 1992, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM), giám đốc công ty kinh doanh về công nghệ thông tin vẫn còn nghẹn ngào khi kể về câu chuyện chị và 12 nhân viên liên tục bị tấn công, nhắn tin chửi bới.
Theo chị H., tối 26-5, các cơ quan chức năng thông tin có một ca dương tính làm việc tại tầng 2 của tòa nhà nơi chị cũng thuê làm trụ sở công ty. Lúc này, quản lý tòa nhà yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân của 13 người trong công ty của chị, sau đó y tế phường ở quận Phú Nhuận gọi điện xác minh.
Từ hôm đó đến những ngày sau, chị H. và các nhân viên liên tục bị các số điện thoại lạ gọi điện chửi bới, nhắn tin miệt thị rất nặng nề. Chị H. nghẹn ngào: "Tôi làm việc ở tầng 4, ca dương tính làm việc ở tầng 2 đâu có quen biết, đâu có nói chuyện gì, không biết vì sao số điện thoại của 13 người công ty tôi lọt ra ngoài, bị người ta chửi. Không những vậy, các đối tác làm ăn của chúng tôi cũng gọi điện hỏi chuyện, nói gần nói xa. Chúng tôi phải giải thích cho từng người là chúng tôi không quen biết ca dương tính, không tham gia Hội Tin Lành truyền giáo Phục Hưng".
Chị H. và các nhân viên hiện vẫn đang được đưa đi cách ly tại một cơ sở ở quận Gò Vấp, TP HCM. Tuy chị và các nhân viên đã có kết quả âm tính lần 1 nhưng lại có tin đồn 13 người trong công ty của chị dương tính, họ lại tiếp tục nhận "gạch, đá" từ người lạ.
Lực lượng y tế lấy mẫu ở một chung cư. Ảnh: PHẠM DŨNG
Nữ giám đốc này chia sẻ thêm: "Nhân viên của tôi có người còn bị hàng xóm chửi bới, cha mẹ cũng bị vạ lây. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, ai cũng có nguy cơ trở thành F1, F2, sao lại phải nặng nề quá vậy? Tôi chỉ mong mỗi người thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện 5K khi ra đường; đặc biệt đừng đổ thêm dầu vào lửa khi chính quyền và người dân đang chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Làm được như vây là đã giúp cho cộng đồng cũng như các cơ quan chức năng".
Chia sẻ dưới góc độ pháp lý, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ) nói dịch bệnh đang phức tạp, việc truy vết các ca bệnh và những người tiếp xúc gần những ca bệnh đang được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành khẩn trương, kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
"Mặc dù truy vết nhanh, đảm bảo tốt quyền của công dân khi danh tính của họ được viết tắt và ký hiệu bằng số như BN 1, BN 2... Tuy nhiên, một số cá nhân, tổ chức lại đưa đầy đủ, cụ thể, tất tần tật thông tin của người bị nhiễm và người nghi nhiễm. Từ đây, các trang mạng xã hội đã và đang lan truyền nhiều thông tin có liên quan đến danh tính, hình ảnh của người bị nhiễm Covid-19, người bị nghi nhiễm và bị cách ly"- luật sư Toàn nói.
Cũng theo luật sư Toàn, bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện các hoạt động và biện pháp phòng, chống dịch thì vấn đề bảo vệ quyền lợi của người bị nhiễm Covid-19, người bị nghi nhiễm và bị cách ly là một trong những vấn đề quan trọng và cần thiết.
Nếu người bệnh bị gán tin giả, tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân đưa tin giả, tin sai sự thật phải đính chính, gỡ bỏ thông tin, đồng thời yêu cầu người đưa tin giả, tin sai sự thật phải xin lỗi, cải chính công khai hoặc khởi kiện ra tòa án.
Lực lượng chức năng lấy thông tin tại chốt kiểm dịch huyện Bình Chánh (TP HCM) gáp Long An
Đồng thời, tùy theo mức độ xâm phạm, có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, ra quyết định xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng có hành vi vi phạm.
Đối với các tổ chức lưu giữ thông tin của các ca F0, F1, F2, nhưng để lộ, lọt thông tin, thì có mức xử phạt được quy định tại Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP; đồng thời sẽ có hình phạt bổ sung kèm theo.
Còn theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội làm nhục người khác thì thì hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm...
Bình luận (0)