Công cuộc cải cách hành chính đã đạt được một số kết quả nổi bật, đáng ghi nhận như hàng loạt thủ tục rườm rà, không cần thiết đã được đơn giản hoặc loại bỏ, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Tuy vậy, trên thực tế, vẫn còn nhiều thủ tục nhiêu khê, phát sinh theo kiểu giảm giấy tờ này lại “đẻ” ra loại giấy tờ khác, gây lãng phí nguồn lực xã hội và thời gian, tiền của của công dân, tổ chức.
Chẳng hạn, khi đi xin việc làm, đi học, đi thi..., công dân đều phải nộp hồ sơ gồm: đơn, giấy khám sức khỏe, sơ yếu lý lịch, chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn... Riêng thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, bổ nhiệm chức vụ, chức danh còn phải nộp thêm phiếu lý lịch tư pháp. Việc yêu cầu phải nộp trước giấy khám sức khỏe, phiếu lý lịch tư pháp là hết sức vô lý. Bởi ngoại trừ một số ngành, nghề và công việc đặc thù, thì những ngành, nghề khác hoặc chỉ xin đi học, đi thi, xét tuyển, thi tuyển công chức, viên chức, chỉ cần giấy cam kết bảo đảm sức khỏe của người xin việc, đi thi, đi học hoặc có thể yêu cầu bổ sung sau khi trúng tuyển, thi đỗ. Thực tế, việc khám sức khỏe ở nhiều nơi chỉ là hình thức, qua loa, đối phó- khám để có giấy chứng nhận sức khỏe đủ điều kiện. Thậm chí, không cần đến cơ sở y tế vẫn có giấy khám sức khỏe.
Cò mua bán giấy chứng nhận sức khỏe đứng đầy các bệnh viện
Việc nhiều cơ quan, tổ chức đòi hỏi phải có phiếu lý lịch tư pháp khi nộp hồ sơ xin việc, đề bạt, bổ nhiệm... lại càng vô lý, không cần thiết. Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của một người đã bị bản án, quyết định hình sự của tòa án. Mặt khác, theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì mọi người đều không có tội, không có án tích. Trường hợp cơ quan, tổ chức muốn biết phải tự tìm hiểu, điều tra hoặc yêu cầu cơ quan liên quan cung cấp, chứ không phải là công dân. Yêu cầu phải có phiếu lý lịch tư pháp chỉ tạo thêm gánh nặng khối lượng công việc cho các cơ quan liên quan (công an, tư pháp), nhiều trường hợp cấp phiếu lý lịch tư pháp không đúng hạn theo quy định (quá 10 ngày) đã gây khó khăn cho người dân trong việc chậm bổ sung hồ sơ thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, xuất cảnh ra nước ngoài.
Bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển, thu hút đầu tư, bảo đảm quyền lợi người dân thì phải tạo môi trường thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản. Muốn vậy, trước hết phải hạn chế triệt để các loại giấy tờ, thủ tục không cần thiết.
Bình luận (0)