Với dân số xấp xỉ 9 triệu người, tại TP HCM hằng ngày phải xử lý trên 7.000 tấn rác sinh hoạt. Phần lớn trong số này được các đường dây rác dân lập đảm nhận nhưng từ đây cũng nảy sinh nhiều vấn đề gây bức xúc.
Phí mỗi nơi mỗi kiểu
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, rác thải đang được 2 tổ chức thu gom, gồm hệ thống công lập thuộc các công ty TNHH MTV dịch vụ công ích, thu gom khoảng 40%; số còn lại do hệ thống thu gom rác dân lập đảm nhận.
Hiện nay, mức phí thu gom rác trên địa bàn TP được thực hiện theo Quyết định 88/2008/QĐ-UBND ngày 20-12-2008 của UBND TP. Theo đó, ở khu vực nội thành, mức phí đối với hộ gia đình là 20.000 đồng/tháng (nhà mặt đường) và 15.000 đồng/tháng (nhà trong hẻm). Còn vùng ven, ngoại thành, mức phí từ 10.000 -15.000 đồng/tháng. Các đối tượng ngoài hộ gia đình, mức phí là 60.000 đồng/cơ sở/tháng; quán ăn là 110.000 đồng/cơ sở/tháng; còn các đối tượng như nhà hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại... là 176.000/m2/tháng.
Thực tế, mức phí thu gom rác dân lập hiện nay hầu như chưa được quản lý chặt chẽ nên dẫn đến việc mỗi nơi thu mỗi giá. Khảo sát một số quận, chúng tôi nhận thấy mức thu đều cao hơn quy định. Điển hình như ở tuyến đường Vườn Lài (phường An Phú Đông, quận 12), người dân phải đóng 25.000 đồng/hộ/tháng. Các hộ ở mặt đường Vĩnh Viễn (quận 10) đóng 30.000 đồng/tháng; hẻm 62 Huỳnh Văn Bánh (phường 15, quận Phú Nhuận) đóng 30.000 đồng/tháng. Mức phí thu gom rác hầu như tùy ý chủ đường dây ấn định. Năm nào họ cũng nâng giá thu gom rác nhưng người dân chẳng biết đúng hay sai, phản ánh đến đâu...
Nhiều người dân ở phường 6, 13, 14 của quận 4 than phiền về sự vòi vĩnh của nhiều người thu gom rác tại đây. Ngoài rác sinh hoạt, nếu có thêm loại rác khác buộc phải đóng thêm tiền thì người thu gom mới chấp nhận mang đi. Ông Nguyễn Thanh Tân, ngụ quận 4, bày tỏ: “Nhà chặt mấy nhánh cây kiểng bỏ vào thùng rác nhưng qua 3 ngày họ chẳng chịu mang đi. Khi hỏi thì họ bảo không phải trách nhiệm của họ. Đóng thêm 30.000 đồng mớ rác này mới được dọn dẹp”.
Không dám nặng lời
Ngoài mức thu cao hơn quy định, vấn đề mà người dân bức xúc là trách nhiệm thu gom rác của nhiều đường dây rác dân lập. Chị Nguyễn Thị H. và nhiều hộ dân ở ấp 2, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh phản ánh: “Tiền thì đóng đủ nhưng họ không thu hằng ngày, gây ô nhiễm môi trường. Trước đây, 2 hoặc 3 ngày nhưng nay đến 4 ngày mới thu gom rác một lần làm cả xóm hôi thối, chuột mèo bới tung. Chẳng ai dám nói nặng một lời vì họ giận thì chỉ có nước... ngửi rác”.
Một số người dân ở đường Đoàn Văn Bơ, quận 4 than thở: Tiền thì thu đủ, Tết phải đóng thêm tiền tháng... 13 nhưng họ muốn gom rác hay không thì... tùy! “Xóm tui nhà liền kề, dân cư đông đúc. Nếu chỉ 2 ngày không gom rác thì cả xóm bốc mùi. Vừa qua, cả 3 ngày người gom rác không đến. Khi gặp được họ thì mới biết không gom rác là bởi bận... đi đám cưới ở xa. Cách đây không lâu, xóm phải cử người chở rác ra trạm trung chuyển vì người thu góm rác nghỉ liền 4 ngày để về thăm quê” - ông Đặng Hữu Trí, một cán bộ hưu trí ở quận 4, than phiền.
Quá bực vì thái độ làm việc tùy tiện của người gom rác dân lập, 10/20 hộ ở hẻm 198 Hồ Văn Huê (phường 9, quận Phú Nhuận) đã tự gom rác đưa ra mặt tiền đường, đóng phí cho đường dây thu gom rác của Công ty Dịch vụ công ích quận Phú Nhuận.
Trao đổi về những bức xúc của người dân, bà Trương Thoại Linh - Chủ tịch UBND xã Đa Phước, huyện Bình Chánh - cho biết: Theo quy định, ngày nào cũng phải thu rác từ các hộ dân. Do địa bàn xã rộng nên việc thu gom rác chưa thực hiện đúng quy định, có khi 2 ngày mới thu gom rác một lần. “Chúng tôi sẽ kiểm tra, xử lý và yêu cầu các đường dây thu gom rác công bố về khoảng thời gian cụ thể thu gom rác trong ngày; che chắn xe cẩn thận để giảm mùi hôi, giữ vệ sinh môi trường” - bà Linh hứa.
Công nhân gom rác rất khổ
Ông Nguyễn Khắc C., người có hơn 20 năm thu gom rác, bày tỏ: “Chúng tôi là những người làm thuê cho các dây thu gom rác. Việc thu tiền là của chủ đường dây. Mỗi ngày, hai ông cháu làm việc gần 10 giờ, gom rác của hơn 500 hộ. Toàn bộ thu nhập chỉ 3,5 triệu đồng/tháng, không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Xe ba gác thu gom rác của chúng tôi hư thì phải tự sửa, có bệnh thì tự lo. Sau bao năm làm việc vất vả, vợ tôi giờ bị bệnh cột sống không đi làm nổi, phải nhờ cháu đi thay”.
Bình luận (0)