Một lần chứng kiến gia đình người bạn có người thân mất nhưng không mua nổi quan tài, ông Đỗ Văn Út (tên thường gọi là Việt, 56 tuổi, làm nghề bơm vá xe) đánh liều đến các trại hòm để xin. Trong lúc ông tưởng chừng hết hy vọng, một trại hòm đồng ý với điều kiện phải có giấy xác nhận gia đình khó khăn. Ông vội vàng viết đơn rồi nhờ địa phương xác nhận. Ngay hôm sau, quan tài được chuyển đến.
Sau lần đó, nhiều người tìm đến nhờ giúp và ông Út "dính" luôn tới giờ. Việc tốt tạo duyên, cơ sở mai táng Vạn Phúc (quận Gò Vấp) ngỏ ý muốn đồng hành cùng ông. "Họ tin tưởng, không cần tôi làm đơn nữa. Có người cần, tôi đến nói, họ sẽ cho người mang quan tài xuống. Họ cho hẳn quan tài cỡ lớn, có nắp kính, rất trang trọng. Ngoài ra, họ còn hỗ trợ làm ảnh thờ, chi phí mai táng" - ông Út kể.
Ông Út mưu sinh bằng nghề bơm vá xe ở đầu hẻm 96 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP HCM Ảnh: Ý LINH
Nhiều gia đình có người thân mất, không rõ tục lệ tẩm liệm, ông Út còn xắn tay vào giúp. Có người mới mất, tay chân co quắp, ông mua rượu về nắn, bóp, duỗi thẳng chân tay... Đơn giản, ông chỉ "mong lo được cho người xấu số tươm tất, xem như an ủi họ phần nào trước khi về thế giới bên kia". Cứ thế, hơn 20 năm qua, ông lặng lẽ đi ngược về xuôi chu toàn hậu sự cho những người không quen biết cần giúp đỡ.
"Ban đầu, có người không hiểu, bàn tán này nọ nhưng tôi nghĩ ai nói gì kệ họ, mình làm phước thì con mình nhận. Nhiều bữa đang vá xe hay đêm hôm khuya khoắt, thậm chí mùng 1 Tết, người ta gọi nhờ xin quan tài, tôi cũng đi ngay. Người ta thật sự cần mới nhờ mình. Làm xong tôi mới thấy an tâm" - ông Út tâm sự.
Sớm tha hương, bươn chải kiếm sống, ông Út thấu hiểu nỗi vất vả của những người nghèo mưu sinh trên đất Sài Gòn. Vá chiếc xe 15.000 đồng nhưng nếu là người lao động nghèo, người khuyết tật, ông không lấy tiền. Bên cạnh chiếc máy bơm, ông đặt một bình trà đá với tấm bảng viết rõ to: "Bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật. Nước uống miễn phí". Mỗi ngày chi 20.000 đồng tiền nước đá, 5 lít trà cốt, 50 lít nước, chưa kể tiền điện đun nấu, đều đặn 20 năm qua, bình trà từ thiện của ông vẫn được duy trì. Ngồi vá xe đầu hẻm, đối diện chợ Phú Nhuận, người xe qua lại tấp nập, hằng ngày chứng kiến những vụ va quệt giao thông, ông còn lập ra tủ thuốc từ thiện giúp người bị nạn sơ cứu ban đầu.
"Dù sao tôi cũng may mắn hơn rất nhiều người, có sức khỏe, có công việc, vợ và các con luôn thấu hiểu, động viên. Vì vậy, giúp người cũng là bổn phận để trả ơn cuộc đời. Làm phước được phước, còn sức thì làm, giúp được ai thì giúp" - ông bày tỏ.
Bình luận (0)