Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam:
Chuẩn bị phạm tội cũng xử lý
Xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) là hành vi vi phạm pháp luật, bị xử lý nghiêm khắc ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Luật pháp quốc tế có nhiều văn bản pháp lý quan trọng để các quốc gia thành viên cam kết tuân thủ, luật hóa thành pháp luật nội địa.
Ở Việt Nam, XHTDTE đã tồn tại từ lâu nhưng nạn nhân và gia đình không dám hoặc không muốn lên tiếng, còn kẻ thực hiện hành vi phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có hệ thống pháp luật (bao gồm quy định và thực thi pháp luật) của chúng ta. Cả hình phạt chính lẫn hình phạt bổ sung chưa đủ nghiêm khắc để trừng trị, răn đe, hạn chế ảnh hưởng của những người phạm tội ấu dâm đến nạn nhân và những đứa trẻ khác. Ví dụ ở Mỹ, người phạm tội ấu dâm sau khi chấp hành hình phạt tù còn bị gắn chíp theo dõi, bị ghi danh suốt đời trong hồ sơ tấn công tình dục…
Tôi cho rằng đối với những tội phạm về XHTDTE cần phải có chế tài nặng hơn, kèm theo những biện pháp để ngăn chặn khả năng tái phạm của họ. Thậm chí, cần thiết phải quy định xử lý đối với những người chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt. Điều quan trọng nữa là pháp luật phải được thực thi trên thực tế. Nếu các cơ quan tiến hành tố tụng không có sự chủ động, tích cực trong điều tra, truy tố, xét xử thì dù luật pháp có nghiêm khắc đến mấy cũng không thể ngăn ngừa, đẩy lùi tội phạm.
Thiết nghĩ, ngay từ khi nhận được tin báo, tố giác tội phạm, cơ quan điều tra phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để xác minh có hành vi phạm tội hay không, ai thực hiện, thực hiện như thế nào, hậu quả ra sao… Bởi vì sự việc xảy ra càng lâu sẽ càng khó xác định được chứng cứ.
Về mặt truyền thông, tôi cho rằng việc khai thác và sử dụng thông tin về nạn nhân ấu dâm phải trong khuôn khổ pháp luật. Không được xâm phạm đến quyền về bí mật đời tư, hình ảnh của trẻ và gia đình. Sự vi phạm trong khai thác thông tin của các cơ quan báo chí, truyền thông có thể là tác nhân khiến trẻ tổn thương hơn.
PHẠM THỊ THÚY, chuyên viên tham vấn tâm lý Nhà Văn hóa Phụ nữ TP HCM:
Dạy trẻ nhận thức từ nhỏ
Không ai có thể ở bên cạnh trẻ 24/24 giờ, trong khi nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào và với bất cứ ai. Vì vậy, trẻ chính là người bảo vệ mình tốt nhất. Mỗi ngày, cha mẹ nên dành ít thời gian hướng dẫn trẻ những kỹ năng cần thiết, dần dần trẻ sẽ biết tự vệ, cẩn thận phòng tránh và bình tĩnh, ứng xử linh hoạt trước các tình huống nguy hiểm. Chẳng hạn, khi trẻ khoảng 2 tuổi, trong lúc đi vệ sinh, tắm rửa, người lớn nên hướng dẫn cho trẻ biết khu vực mặc đồ lót là hoàn toàn riêng tư, kín đáo. Điều này giúp trẻ hiểu rằng ai đụng vào khu vực này là người xấu, có hành vi không an toàn, phải nói cho cha mẹ biết.
Bạn đọc MAI ANH:
Giám định khẩn cấp
Tình trạng XHTDTE có dấu hiệu ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp nhưng các vụ XHTDTE thường khó xử lý hoặc kéo dài do không có chứng cứ vật chất; các quy định trong hệ thống luật pháp chưa rõ ràng; chế tài xử phạt chưa nghiêm khắc; gia đình lúng túng, không biết xử lý dẫn đến tự thỏa thuận mà không đưa ra pháp luật…
Để phòng chống, ngoài vai trò quan trọng của gia đình (quan tâm, dạy con kỹ năng phòng vệ…), nhà trường và các tổ chức xã hội cũng cần tích cực vào cuộc. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra sau khi nhận được tố giác tội phạm, dựa trên lời khai của bị hại hoặc người làm chứng, nên khởi tố ngay vụ án để có điều kiện điều tra nhanh, không gây bức xúc cho nạn nhân và gia đình; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với tổ chức giám định để thu thập chứng cứ, hoàn thiện hồ sơ. Đặc biệt, các cơ quan chức năng nên có quy định, cơ chế giám định khẩn cấp các vụ XHTDTE để bảo đảm phát hiện chứng cứ, đưa tội XHTDTE vào dạng điều tra đặc biệt để không bỏ lọt tội phạm.
Liên Hiệp Quốc ra thông cáo
Ngày 17-3, Văn phòng Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ - UNICEF) tại Việt Nam đã phát đi thông cáo thể hiện sự lo ngại đối với tình trạng XHTDTE ở Việt Nam.
Theo đó, LHQ đánh giá cao động thái của Chính phủ Việt Nam trong việc điều tra những vụ XHTDTE trong thời gian gần đây nhưng cũng bày tỏ sự lo ngại khi XHTDTE ngày càng lan rộng, phần lớn các vụ chưa được tố cáo hoặc xử lý thỏa đáng. “Cần phải chấm dứt việc chưa xử lý các thủ phạm gây bạo lực, xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em. Những vụ như vậy phải được điều tra và khởi tố” - ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, phát biểu.
LHQ nhấn mạnh điều tối quan trọng là phải củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em, đầu tư hơn về nhân lực và tài chính. Trong đó, cần có một đội ngũ cán bộ xã hội chuyên nghiệp ở các cấp, bảo đảm tiếp cận các dịch vụ pháp lý thân thiện, có được các phác đồ điều trị hiệu quả và hỗ trợ chuyên biệt cho nạn nhân; đồng thời, cần đầu tư nhiều hơn vào công tác phòng ngừa, ngăn chặn. Ngoài ra, việc kết hợp các yếu tố về giới trong xây dựng chính sách và tiến hành các hoạt động bảo vệ trẻ em là rất quan trọng.
Đặc biệt, chú trọng bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ, gồm: bảo vệ phẩm giá, sự riêng tư và an toàn trong suốt quá trình điều tra và tố tụng. Tên và các thông tin có thể giúp nhận diện nạn nhân trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được công bố.
LHQ khuyến khích nạn nhân hoặc nhân chứng của bạo lực trẻ em hãy gọi đến đường dây nóng trợ giúp trẻ em 1800 1567 để nhận được tư vấn và hỗ trợ cần thiết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan đề xuất, tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với trẻ em; Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tăng cường giáo dục, hướng dẫn kỹ năng, biện pháp giúp trẻ em, học sinh nâng cao năng lực nhận biết, phòng tránh bị xâm hại.
T.Dũng
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-3
Bình luận (0)