Tại dự thảo đề án cải cách chính sách tiền lương (CSTL) trình Hội nghị Trung ương 7, bên cạnh việc cải cách CSTL của cán bộ công chức, viên chức thuộc khối hành chính sự nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đưa ra một số đề xuất liên quan đến tiền lương trong khu vực doanh nghiệp (DN). Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp, mục tiêu của cải cách CSTL lần này là phải làm cho tiền lương là thu nhập chính, bảo đảm đời sống cho người lao động (NLĐ) và gia đình họ.
Ý kiến người trong cuộc về việc này ra sao?
Ông Nguyễn Văn Phê, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Domex Việt Nam:
Phải cân nhắc kỹ
Việc cải cách CSTL nói chung, trong đó có CSTL cho NLĐ trong khối DN, là rất cần thiết. Trong đó, tiền lương phải là thu nhập chính, bảo đảm đời sống cho gia đình NLĐ. Tuy nhiên, việc cải cách phải thực sự phù hợp và sát thực tế. Tôi đồng tình với việc bên cạnh mức lương tối thiểu (LTT) tháng, đề án quy định mức LTT giờ nhưng việc để DN được tự chủ quyết định CSTL (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động theo khả năng của DN thì cần phải cân nhắc kỹ. Thực tế, khả năng thương lượng của NLĐ hiện nay gần như bằng 0, ngay cả việc lên tiếng nói để thể hiện quan điểm của mình, họ cũng không dám. Vì thế, nếu để NLĐ và DN tự thương lượng với nhau sẽ không có lợi cho họ.
Theo tôi, không thể "bỏ ngỏ" thang lương, bảng lương cho DN tự quyết. Bởi ngay cả khi có quy định về thang, bảng lương thì nhiều DN vẫn trả lương cào bằng, chênh lệch giữa lao động mới và lao động lâu năm là không đáng kể gây ra nhiều bức xúc. Hay như việc mỗi DN tự đề ra quy định về thời gian nâng bậc, có nơi mỗi năm tăng 1 bậc, có nơi lại 2, 3 năm mới tăng 1 bậc như hiện nay rất không công bằng. Nếu việc cải cách tiền lương xóa bỏ hẳn các quy định về trả lương cho lao động có trình độ, tay nghề (7%) hoặc chênh lệch giữa các bậc (5%) thì NLĐ sẽ còn thiệt thòi nhiều hơn. Do vậy, tôi nghĩ nên giữ các quy định hiện tại về tiền lương, trong đó nhà nước cần quy định cụ thể, chi tiết hơn về thời gian tăng bậc thợ cho NLĐ.
Tiền lương phải bảo đảm cuộc sống tối thiểu và từng bước tiến dần đến mục tiêu giúp NLĐ có tích lũy cho tương lai. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Hồng Đào
Ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Vĩ Châu (quận 7, TP HCM):
Sớm ban hành luật tiền lương tối thiểu
Tôi được biết theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, chỉ 51,3% NLĐ có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ. Điều này cho thấy mức LTT hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Để có thể cải thiện thu nhập, NLĐ buộc lòng phải tăng ca. Các khoản thu nhập ngoài lương cơ bản như làm thêm giờ, trợ cấp, hỗ trợ khoảng 1,3-1,5 triệu đồng/tháng, chiếm từ 20%-30% thu nhập NLĐ.
Theo tôi, chủ trương để DN tự chủ tiền lương là tốt song thực hiện không đơn giản. Trước mắt, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiền LTT trong Bộ Luật Lao động. Cụ thể, cần xác định rõ các tiêu chí để xác định mức sống tối thiểu của NLĐ, từ đó xây dựng và điều chỉnh CSTL phù hợp, giúp NLĐ từng bước ổn định cuộc sống và có tích lũy.
Chính phủ cũng cần sớm ban hành Luật Tiền LTT và quyết liệt hơn trong chỉ đạo việc xây dựng và giám sát thực hiện thang, bảng lương để NLĐ được nâng lương định kỳ; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về tiền lương.
Bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM):
Phải giúp NLĐ tích lũy
Mức LTT vùng hiện nay chỉ bảo đảm 70% đến 80% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, nhất là công nhân (CN) ngoại tỉnh làm việc tại các tỉnh, TP lớn. Thực tế, dù được nhà nước điều chỉnh tăng nhưng do nền LTT quá thấp nên cuộc sống NLĐ hết sức chật vật, khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Để cải thiện thu nhập và có tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày, NLĐ phải làm thêm và chính điều này càng khiến sức khỏe NLĐ bị bào mòn. Nhiều CN ngành dệt may, da giày mới bước qua tuổi 35 đã bị DN đẩy ra đường do không đủ sức khỏe làm việc, năng suất lao động kém. Gần như chắc chắn không một CN trực tiếp sản xuất nào có thể trụ vững với nghề đến tuổi nghỉ hưu.
Thực trạng này đòi hỏi CSTL phải thực sự căn cơ thì mới mong bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho NLĐ. Khi xây dựng CSTL, các cơ quan tham mưu phải khảo sát kỹ, trong đó phải đánh giá chính xác tác động của nền kinh tế- xã hội đối với đời sống của NLĐ. Mức điều chỉnh tăng từng thời kỳ phải hợp lý và từng bước tiến dần đến mục tiêu giúp NLĐ có tích lũy cho tương lai, thay vì chỉ bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu.
Hài hòa lợi ích
Theo bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, thực tế hệ thống pháp luật lao động hiện nay, các DN khối ngoài nhà nước đã gần như được thỏa thuận lương với NLĐ, tất nhiên trên mức sàn quy định. Tuy nhiên, một số nơi diễn giải hơi cứng nhắc về việc này gây khó khăn.
Theo bà Chi, nên ủng hộ việc các DN được quyền tự chủ hệ thống chính sách lương bổng của mình, phù hợp với mô hình và yêu cầu kinh doanh. Vì nếu cứng nhắc quá, họ lại lách luật, NLĐ thiệt thòi nhiều hơn. Dĩ nhiên, khi để DN tự quyết chính sách lương bổng cũng cần phải trên cơ sở một mức quy định tối thiểu nào đó làm cái van an toàn cho NLĐ. Bên cạnh đó, hệ thống lương bổng cũng cần kết hợp nhiều cách tính lương, cả về lương thâm niên lẫn lương theo năng lực để bảo đảm hài hòa cho NLĐ (không thiệt thòi, có cơ hội phát huy năng lực) và DN.
Bình luận (0)