Qua tìm hiểu, phóng viên Báo Người Lao Động được biết nhân vật trong ảnh là thượng úy Vũ Đình Nam và trung úy Đoàn Tấn Phú, Đội CSGT Tân Sơn Nhất thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM.
Chỉ nghĩ phải cứu người
Nhắc lại vụ việc, 2 chiến sĩ này kể lúc 9 giờ 30 phút ngày 25-6, khi cả 2 đang điều tiết giao thông trên đường Trường Chinh - Tây Thạnh (quận Tân Phú) thì nghe tiếng một phụ nữ đi xe máy la lớn: "Cứu con em, cứu con em". Tiến lại gần, 2 CSGT thấy em bé ngồi phía trước xe người phụ nữ có biểu hiện kiệt sức nên liền lên xe đặc chủng hú còi, mở đường để người phụ nữ đưa con đến bệnh viện.
Tuy nhiên, khi đến giao lộ Trường Chinh - Phạm Văn Bạch, dòng xe bị ùn tắc, không thể tiếp tục lưu thông; trung úy Phú bàn với người mẹ đưa con cho anh bế, còn thượng úy Nam điều khiển xe để đưa bé đến Bệnh viện Mỹ Đức gần đó. Đồng thời, 2 anh nhờ một người dân dẫn người mẹ đến bệnh viện. "Trên đường đi, ngồi phía sau, một tay bế bé vào lòng, tay còn lại tôi cầm bình nước cho bé uống để giữ sức" - trung úy Phú thuật lại.
Khoảng 15 phút sau, 2 anh đã đưa cháu bé vào phòng cấp cứu. Sau khi người mẹ đến bệnh viện để chăm con và mọi việc đã ổn, 2 anh quay về, tiếp tục công việc. "Lúc đó, thật sự chúng tôi không nghĩ được nhiều, chỉ nghĩ cách làm sao để đưa em bé đến bệnh viện gần nhất cấp cứu, bảo đảm an toàn tính mạng của bé" - trung úy Phú bộc bạch.
Hình ảnh thượng úy Vũ Đình Nam và trung úy Đoàn Tấn Phú đưa em bé đi cấp cứu được người dân chụp lại
Cần lắm những thông tin như thế
Sau khi Báo NLĐO đăng tải thông tin đã nhận được nhiều ý kiến quan tâm, ngợi khen của bạn đọc dành cho hành động đẹp và nhân văn của 2 chiến sĩ CSGT. "Đây mới đúng là hình ảnh Công an Nhân dân", "Xúc động quá. Hình ảnh đẹp vô cùng. Xứng danh Công an Nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ", "Một việc làm bình thường giữa cuộc sống đời thường nhưng đọc xong bản tin, tôi thấy xúc động quá", "Thật đẹp biết bao. Tôi muốn khóc khi đọc tin này", "Ở đâu đó cũng còn người tốt, cảm ơn cuộc đời"… Đó là ý kiến của bạn đọc Lâm, Lê Công Thanh, Nguyễn Huy Đức và nhiều bạn đọc khác.
Ở góc nhìn khác, bạn đọc Tư Bà Chiểu, Sài Gòn viết: "Tôi không phủ nhận trong lực lượng này có một nhóm sâu làm rầu nồi canh nhưng đó không phải là tất cả. Qua hình ảnh trên, mong mọi người hãy có cái nhìn công bằng hơn". Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị xem đây là tấm gương sáng, cần được tuyên dương, thưởng nóng.
Tuy nhiên, trên tất cả, rất nhiều bạn đọc cho biết rất vui mỗi khi đọc những thông tin như thế này và đề nghị báo chí cần phản ánh nhiều hơn những điều tốt đẹp, những cử chỉ nhân văn trong đời thường để cái đẹp được lan tỏa, nhân rộng, trở thành cách ứng xử thường ngày của con người với nhau chứ không còn là chuyện hiếm hoi. Bởi thực sự cuộc sống còn có biết bao điều tốt đẹp tồn tại xung quanh chúng ta một cách bình dị và đơn giản nhất nhưng khi được chia sẻ, nó sẽ giúp con người có thêm niềm tin vào cuộc sống để sống có ích hơn.
"Mỗi lần đọc những thông tin tiêu cực, tôi luôn có cảm giác bất an, lo lắng bởi quá nhiều hiểm nguy, từ bệnh tật, tội phạm đến khủng bố, thảm họa môi trường… Thế nên, tôi thật sự rất biết ơn những câu chuyện, hình ảnh ghi lại những khoảnh khắc đời thường thật gần gũi, nhân văn, nó giúp tâm hồn tôi được "tắm mát", gầy dựng lại niềm tin rằng xã hội đang và sẽ có rất nhiều người tốt, việc tốt. Tôi tin trên thực tế, một ngày có vô số việc tốt được thực hiện nhưng chưa được biết đến; rất cần báo chí, mạng xã hội phát hiện, lan truyền những điều tốt đẹp để tạo nên niềm tin cho con người. Những điều tốt đẹp, nhân văn được nhân rộng, lan tỏa sẽ có thêm nhiều người tốt, việc tốt, lúc đó xã hội thực sự phát triển bền vững" - bạn đọc Mộc Miên gửi gắm qua email Báo Người Lao Động.
Bình luận (0)