Bà Nguyễn Thị Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Thu Ngọc (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), cho biết vừa làm thủ tục khởi kiện TAND TP Sóc Trăng, yêu cầu bồi thường gần 2,1 tỉ đồng do quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan này gây thiệt hại cho bà.
Không cho bán tài sản riêng
Theo hồ sơ vụ việc, tháng 2-2012, ông Đặng Văn Muôn (67 tuổi, ngụ TP Sóc Trăng) ly hôn bà Trần Thị Lẫm (66 tuổi). Tòa giao ông Muôn toàn quyền sử dụng căn nhà 2/4 (nay là số 4) Tôn Đức Thắng, phường 8, TP Sóc Trăng.
Ngày 6-2-2013, ông Muôn đến phòng công chứng lập hợp đồng bán căn nhà này cho bà Ngọc. Sau đó, bà Ngọc bán căn nhà cho ông P. ở TP HCM. Khi nhận tiền cọc 2 tỉ đồng, bà Ngọc lập thỏa thuận trong 1 tháng sẽ hoàn tất thủ tục sang tên từ ông Muôn cho ông P.; nếu không thực hiện được thì phải trả tiền cọc và bồi thường 2 tỉ đồng.
Căn nhà của bà Nguyễn Thị Ngọc bị TAND TP Sóc Trăng cấm buôn bán Ảnh: CÔNG TUẤN
Biết chồng cũ bán nhà, lấy lý do ông Muôn còn nợ tiền mình, bà Lẫm gửi đơn đến TAND TP Sóc Trăng đề nghị tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm ông bán nhà. Ngày 22-2-2013, TAND TP Sóc Trăng ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm ông Muôn và bà Ngọc chuyển nhượng căn nhà dù hợp đồng giao dịch giữa hai bên đã ký với nhau trước mặt công chứng viên cách đó 16 ngày.
Càng khó hiểu hơn, dù áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của bà Lẫm đối với căn nhà có giá trị nhiều tỉ đồng nhưng tòa án không buộc bà nộp tiền để thực hiện biện pháp bảo đảm (theo điều 120 Bộ Luật Tố tụng dân sự). Không chỉ vậy, theo Chi cục Thi hành án TP Sóc Trăng, bà Lẫm không đủ tư cách nguyên đơn để yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng giữa ông Muôn và bà Ngọc vô hiệu. Bởi lẽ, bà Lẫm đã làm giấy tự nguyện từ bỏ quyền can thiệp vào căn nhà này kể từ ngày 20-7-2012.
Với quyết định cấm chuyển nhượng của TAND TP Sóc Trăng, ông Muôn không sang tên được căn nhà cho bà Ngọc khiến nữ giám đốc này bị ông P. kiện yêu cầu trả 4 tỉ đồng tiền cọc và bồi thường. Quá bức xúc, bà Ngọc làm đơn khiếu nại gửi Chánh án TAND TP Sóc Trăng, yêu cầu hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng không được giải quyết.
Đùn đẩy trách nhiệm
Bà Ngọc tiếp tục khiếu nại hơn nửa năm, cuối cùng TAND tỉnh Sóc Trăng ra quyết định hủy bỏ quyết định của TAND TP Sóc Trăng. Theo TAND tỉnh Sóc Trăng, quyết định của tòa cấp dưới ban hành sau ngày ông Muôn và bà Ngọc đến phòng công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng nhà. Vì vậy, việc hủy bỏ quyết định của TAND TP Sóc Trăng là cần thiết và phù hợp. Sau đó, bà Lẫm cũng rút đơn yêu cầu.
Từ quyết định của TAND tỉnh Sóc Trăng, bà Ngọc gửi đơn yêu cầu TAND TP Sóc Trăng bồi thường thiệt hại gần 2,1 tỉ đồng. Sau khi cử cán bộ thương lượng bồi thường, TAND TP Sóc Trăng trả lại đơn của bà Ngọc. Lý do cơ quan này đưa ra là “không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 điều 28 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước”.
Quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND tỉnh Sóc Trăng
Sau đó, bà Ngọc khiếu nại lên TAND tỉnh Sóc Trăng và nơi đây cũng từ chối với cùng lý do. Bà Ngọc bức xúc: “Tôi không thể biết ai là người có trách nhiệm bồi thường khi tòa án làm sai, gây thiệt hại rất lớn cho tôi”.
Đề cập vụ việc nêu trên, luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, cho rằng quyết định giải quyết khiếu nại của TAND tỉnh Sóc Trăng theo hướng bác đơn của bà Ngọc là không đúng. Bà Ngọc có quyền khởi kiện quyết định này và kiện TAND TP Sóc Trăng để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Phải bồi thường
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, khi TAND TP Sóc Trăng ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không yêu cầu bà Lẫm nộp tiền để thực hiện biện pháp bảo đảm là trái với điều 120 Bộ Luật Tố dụng dân sự. Khi đã trái luật thì xem như thủ tục đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bà Lẫm là không hợp pháp.
“Khi thủ tục chưa hợp lệ, không hợp pháp thì TAND TP Sóc Trăng đã tự áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Điều này đã vi phạm Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước nên TAND TP Sóc Trăng phải có trách nhiệm bồi thường cho bà Ngọc khi có phát sinh thiệt hại mà bà chứng minh được” - luật sư Đức nêu quan điểm.
Bình luận (0)