Bộ phận an ninh hàng không của Cục Hàng không Việt Nam cho biết từ đầu năm đến nay, quyết định cấm bay được ban hành có xu hướng gia tăng so với trước.
Chây ì, không hợp tác
"Ca khó" mà cơ quan chức năng đang phải đối mặt là trường hợp nữ hành khách T.T.T (44 tuổi, người Nghệ An), sinh sống tại Hà Nội, làm nghề kinh doanh. Bà T. là hành khách trên chuyến bay VJ134 từ TP HCM đi Hà Nội tối 3-4. Do lên máy bay muộn và không được ngồi ở hàng ghế đầu, bà T. nổi nóng mắng chửi tiếp viên rồi gây sự với hành khách có ý can ngăn… Hành động của bà T. đã khiến chuyến bay bị chậm 50 phút so với giờ khởi hành.
Hành khách đi máy bay cần tuân thủ các quy định bảo đảm an ninh, an toàn bay trong lĩnh vực hàng không dân dụngẢnh: Nguyễn Bình
Cùng ngày, Cảng vụ Hàng không (CVHK) miền Nam đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) 4 triệu đồng vì hành vi gây mất trật tự trên máy bay đối với bà T. Thế nhưng, quá thời hạn thi hành quyết định, bà T. vẫn không nộp phạt. Quá trình làm việc tại cơ quan chức năng, bà T. luôn tỏ ra không hợp tác, không để lại số điện thoại liên lạc. Phải 2 lần gửi văn bản đề nghị chính quyền địa phương nơi bà T. cư trú xác minh nhân thân, CVHK miền Nam mới truy tìm được bà T.
Tuy nhiên, khi công an phường xác định đúng thời điểm bà T. có mặt tại gia đình để tống đạt quyết định XPVPHC thì bà này vẫn tiếp tục không ký nhận, trốn tránh không nộp phạt. Cục Hàng không Việt Nam đã ra quyết định cấm bay đối với bà T. trong thời hạn 12 tháng.
Một trường hợp chây ì khác là ông N.D.V (SN 1959, lao động tự do), trú tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Ông V. có hành vi đánh người phụ nữ đi cùng chuyến bay SU290 từ Nga về Việt Nam hôm 3-3, sau đó không chấp hành quyết định XPVPHC 7,5 triệu đồng của CVHK miền Bắc. Ngày 24-4, Cục Hàng không Việt Nam đã ra quyết định cấm bay đối với ông V. trong thời hạn 18 tháng, sau đó tiếp tục phải chịu sự kiểm tra trực quan 6 tháng.
Sáu ngày sau khi có quyết định cấm bay, ông V. mới chịu nộp phạt. Xét thấy ông V. đã chấp hành quyết định XPVPHC, Cục Hàng không Việt Nam đã ra quyết định cấm bay 12 tháng đối với ông V., thay thế cho quyết định đã ban hành trước đó, rút ngắn thời gian cấm bay 6 tháng.
Nại bệnh, khó xác minh địa chỉ
Cục Hàng không Việt Nam cho biết bảo đảm an ninh hàng không là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản trong hoạt động hàng không dân dụng. Trong đó, cấm bay là một trong những giải pháp loại bỏ những hành khách có nguy cơ đe dọa an ninh hàng không. Khi bị cấm bay, các lực lượng chức năng sẽ giám sát chặt chẽ để ngăn chặn những hành khách này đi trên các chuyến bay nội địa, chuyến bay quốc tế xuất phát từ Việt Nam của tất cả các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài.
Tuy nhiên trong thực tế, việc xác minh, yêu cầu khách sai phạm thực hiện quyết định XPVPHC của nhà chức trách hàng không chẳng dễ dàng. Ví dụ, trường hợp nữ hành khách N.T.H (38 tuổi) tát nam nhân viên hàng không ở sân bay Tân Sơn Nhất vì không được mang hành lý quá cân lên máy bay. CMND cấp tại Hưng Yên nhưng bà H. liên tục di chuyển nơi ở tại nhiều tỉnh, thành, cứ tìm được manh mối địa chỉ nào thì bà H. đã không còn cư trú ở đó, cuối cùng không thể xác minh được.
Hoặc trường hợp nữ hành khách N.T.Y.L (nữ, SN 1987) hút thuốc lá trên máy bay nhưng không nộp phạt. Địa chỉ của L. rất rõ ràng, xác minh được ngay nhưng đến gia đình đôn đốc thực hiện quyết định XPVPHC thì đương sự thường xuyên vắng nhà, cha mẹ không chịu nhận thay và lý luận "con tôi vi phạm chứ tôi có vi phạm đâu mà nhận". Cơ quan chức năng kiên trì gặp được L. thì cô này trưng ra giấy tờ cho biết đang điều trị bệnh loạn thần do sử dụng nhiều loại ma túy và chất tác động tâm thần để né nộp phạt.
Chỉ người cần đi mới sợ
Theo Nghị định 92/CP/2015 về an ninh hàng không, hình thức cấm bay được áp dụng cho những hành khách vi phạm với 3 mức khác nhau: cấm bay từ 3-12 tháng; cấm bay từ 12-24 tháng và cấm bay vĩnh viễn. Nhưng từ trước đến nay có rất ít trường hợp biết mình bị cấm bay mới đi nộp tiền phạt để được "giảm án" như ông N.D.V đã nói ở trên. Còn các trường hợp chây ì khác đều có biểu hiện "miễn dịch" với lệnh cấm bay. Nếu khách không có nhu cầu cấp thiết đi lại bằng đường hàng không thì "quên" đi một thời gian là hết thời hạn hiệu lực, khi đó khách có thể đi lại bình thường.
Bình luận (0)