Mấy ngày qua, nhiều phụ huynh như tôi đặc biệt quan tâm đến thông tin từ năm học này, TP HCM “dứt khoát bỏ dạy thêm, học thêm”. Việc tạo một môi trường giáo dục hiện đại, đào tạo ra những công dân tốt là điều bất cứ phụ huynh nào cũng mong mỏi nhưng tôi vẫn thấy băn khoăn về quyết định cấm dạy thêm, học thêm.
Thứ nhất, chúng ta đã từng ra lệnh cấm như vậy nhưng cuối cùng vẫn không thể thực hiện được. Nhu cầu học thêm là có thật, còn việc học thêm cái gì và học như thế nào, ở đâu phụ thuộc vào sức học của mỗi học sinh, nhận thức và điều kiện của phụ huynh. Giờ học chính khóa được gói gọn trong một thời gian nhất định, không thể đáp ứng việc mở rộng kiến thức. Nếu nhà trường tổ chức dạy thêm vừa có chất lượng, chi phí thấp lại vừa đáp ứng được nhu cầu của học sinh và phụ huynh thì sao lại cấm thầy cô trong trường dạy thêm? Vấn đề là ngành giáo dục quản lý việc dạy thêm, học thêm như thế nào để không có chuyện giáo viên không dạy hết giáo trình ở lớp chính khóa, chỉ dạy ở lớp học thêm; học sinh đi học thêm để được biết và giải trước các dạng bài kiểm tra, thi học kỳ...
Thứ hai, giáo viên hiện nay đã có thể sống được bằng lương chưa? Nếu không xem xét đến quyền lợi của các thầy cô giáo, liệu còn ai chịu làm công việc trách nhiệm thì rất nặng nề mà đồng lương lại quá ít ỏi? Hơn nữa, giáo viên muốn kiếm sống bằng chính kiến thức, năng lực và sức lao động chân chính của mình thì có gì là sai?
Thứ ba, điều cốt lõi nhất hiện nay ngành giáo dục cần thay đổi chính là chương trình học quá ôm đồm, kiến thức thực tế ít nhưng kiến thức hàn lâm quá nhiều. Đặc biệt là căn bệnh thành tích. Hầu như các trường đều buộc phải khống chế số học sinh trung bình, yếu, kém; nâng số học sinh khá, giỏi để không bị ảnh hưởng đến danh hiệu thi đua, dẫn đến nhiều học sinh ngồi nhầm lớp và tràn lan học sinh giỏi.
Là phụ huynh, chúng tôi ủng hộ quyết tâm đưa giáo dục Việt Nam ngày càng gần các nước tiên tiến nhưng nếu chỉ cấm dạy thêm, học thêm mà không giải quyết tận gốc rễ vấn đề thì rất khó tìm được hướng ra.
Bình luận (0)