Bạn đọc Nguyễn Long:
Phải tính đến yếu tố an toàn cho cộng đồng
Những năm gần đây, các giống chó ngoại lai hung dữ, to lớn được du nhập vào nước ta khá rầm rộ. Song hành với việc đó, xảy ra không ít trường hợp bị chó cắn gây thương tích nặng, thậm chí tử vong. Không chỉ cắn người lạ, những con chó dữ vốn có bản chất hoang dã săn mồi ấy còn tấn công cả những thành viên trong gia đình - những người hằng ngày chăm nuôi cho chúng ăn uống.
Tai nạn do bị chó dữ tấn công không diễn ra mỗi ngày nhưng số người bị các giống chó này cắn gây thương tích ngày một tăng, trong đó nạn nhân là người già, phụ nữ và trẻ em là đáng kể. Nhiều nạn nhân mang thương tích, di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, cũng như thẩm mỹ.
Từ thực trạng đáng báo động đó, những gia đình đã, đang nuôi chó dữ cần phải tính đến yếu tố an toàn cho cộng đồng, cũng như các thành viên gia đình. Nên nuôi trong cũi, lồng chắc chắn, tiêm phòng dại đầy đủ theo chu kỳ, không nên thả rông,… Khi cho chó ra đường, phải có dây xích và rọ mõm chắc chắn để chúng không thể đe dọa tới tính mạng, sự an toàn của người xung quanh…
Ngoài ra, về mặt quản lý nhà nước, vì sự an toàn của người dân, cần xem xét cấm nhập các loại chó này trong thời gian tới (với mục đích để nuôi). Các cơ quan chức năng ở địa phương giám sát chặt chẽ những hộ nuôi chó dữ; thực thi nghiêm các quy định xử phạt nếu chủ nuôi vi phạm. Trường hợp vật nuôi cắn người gây hậu quả nghiêm trọng do lỗi của chủ nuôi không thực hiện các biện pháp an toàn, phải xử lý hình sự theo điều 295 Bộ Luật Hình sự; buộc chủ nuôi phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo điều 603 Bộ Luật Dân sự quy định về "Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra".
Bạn đọc Phạm Văn Chung:
Có quy định chặt chẽ để quản lý
Gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc vật nuôi tấn công người, gây nhiều lo lắng, hoang mang. Mới nhất là vụ chó Pitbull cắn chết người ở Long An.
Hiện nay, vật nuôi trong các gia đình xuất hiện nhiều loài "lạ", "độc" như chó Pitbull, Ngao Tây Tạng... Đặc biệt một số loài nguy hiểm khác như cá sấu, rắn, gấu, heo rừng... cũng được người dân lén lút nuôi nhốt trong khu dân cư mà không thông báo hoặc có sự cho phép, quản lý của cơ quan chức năng. Đây là nguy cơ tiềm ẩn rất lớn, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người dân, cộng đồng.
Mặc dù, nuôi chó, mèo làm "thú cưng", làm cảnh, pháp luật không cấm nhưng đối với các loài chó dữ ngoại lai được nhập từ nước ngoài, cần phải hết sức thận trọng, có quy định chặt chẽ để quản lý. Bởi lẽ điều kiện, môi trường tự nhiên thay đổi, các loài chó như Pitbull, Ngao Tây Tạng... cũng có thể thay đổi về bản tính, hung dữ hơn so với ở nơi chúng xuất xứ.
Theo quy định hiện hành, nếu vật nuôi gây hại cho người khác thì chủ nuôi phải bồi thường dân sự, thậm chí bị xử lý trách nhiệm hình sự nếu gây chết người. Tuy nhiên, "được vạ thì má đã sưng". Quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa tai nạn xảy ra. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các loài vật nuôi hung dữ, nhất là các loài chó ngoại nhập. Theo đó, để tránh các sự cố đáng tiếc, cần cấm ngay việc nuôi các loài chó dữ, ngoại lai đe dọa sức khỏe, tính mạng con người. Có như vậy mới bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân mà cũng không ảnh hưởng gì đến đời sống, sinh hoạt bình thường của xã hội.
Bình luận (0)