Nhiều bạn đọc bày tỏ sự phấn khởi khi nghe thông tin lực lượng chức năng đang quyết liệt xử lý nghiêm tình trạng uống rượu bia khi tham gia giao thông, chẳng hạn tại đoạn qua Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội - trục đường chính ở cửa ngõ phía đông TP HCM, có tài xế đã ôm mặt hối hận do chỉ uống 1 lon bia "xã giao" nhưng đã bị Đội CSGT Rạch Chiếc, thuộc Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP HCM phạt tới 7 triệu đồng và tước bằng lái 11 tháng.
Bạn đọc "Ong Vò Vẽ" lạc quan cho rằng "Luật pháp thực thi nghiêm minh sẽ dần dần điều chỉnh được những hành vi, thói quen "sai" luật. Khi hành vi, thói quen tốt được hình thành, lâu ngày sẽ trở thành tập quán, thành văn hóa sống văn minh, lành mạnh".
Bạn đọc Loanh Quanh góp thêm: Cũng như luật đội mũ bảo hiểm khi lái xe trước đây, lúc đầu đã có không ít ý kiến phản ứng cho rằng sẽ gây phiền toái, nhưng rồi sự nghiêm minh của luật pháp cuối cùng mọi người cũng đã thực hiện nghiêm túc, bây giờ gần như tuyệt đại đa số mọi người khi tham gia giao thông đều có thói quen đội mũ bảo hiểm. Chuyện rượu bia nếu chịu làm tới nơi tới chốn cũng sẽ được thôi.
Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia với 13 hành vi bị nghiêm cấm từ ngày 1-1, người dân mong muốn lực lượng CSGT cần thực thi công tâm, nghiêm minh không lạm dụng trục lợi để ăn chia với người vi phạm (hình chỉ mang tính minh họa)
Bạn đọc Chương Dương nêu ý kiến: Chẳng biết tự bao giờ tại Việt Nam có quá nhiều quán nhậu từ nhà hàng máy lạnh, cho đến vỉa hè đâu đâu cũng có quán nhậu. Không cần phải nhắc lại những hệ lụy về sức khỏe, và an ninh trật tự từ chuyện lạm dụng rượu bia. Mong rằng kỳ này cơ quan chức năng sẽ làm thật nghiêm, và dài hơi, chứ không "nóng hổi" lúc ban đầu, rồi dần dà "nguội" dần, nếu làm quyết liệt để ai cũng ngại ra quán nhậu, thì tự khắc các quán nhậu sẽ chuyển đổi thôi.
Nhiều bạn đọc cũng chú ý đến đến nội dung cấm cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) uống rượu, bia trước, trong và nghỉ giữa giờ làm việc.
Bạn đọc Nguyen Thu Thuy đồng tình với luật quy định này, và nêu ý kiến: Nếu uống rượu, bia trước, trong và nghỉ giữa giờ làm việc không những giảm năng suất lao động, mà còn có thể gây ra tai nạn chết người trong lao động nữa.Tôi đề nghị bất cứ là ai, đã vào nơi làm việc mà có mùi rượu bia, lần thứ nhất, mời đối tượng đó về nhà, nếu còn tái phạm thì cho nghỉ việc.
Với bạn đọc "Tapan" thì đề xuất "Làm nghiêm chủ trương này với tất cả CB, CC, VC ngay những ngày năm hết, Tết đến sắp tới. Trong đó thủ trưởng đơn vị phải làm gương"
Nhiều bạn đọc cho rằng "Mọi người ai cũng ủng hộ Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia với 13 hành vi bị nghiêm cấm từ ngày 1-1 nhưng mong muốn lực lượng CSGT cần thực thi công tâm, nghiêm minh không lạm dụng trục lợi để ăn chia với người vi phạm; đặc biệt các cơ quan chức năng nên có một cơ chế giám sát, xử lý để luật có thể đi vào cuộc sống, và xử lý kịp thời những tiêu cực".
Trong một góc nhìn khác bạn đọc ATèo đề xuất: Để Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia thành công, ngay từ bây giờ cũng phải cấm quảng cáo rượu bia trên các phương tiện truyền thông. Bởi lẽ nếu vẫn còn nhan nhãn quảng cáo trên tivi, trên các trang báo uống bia để chiến thắng, để mạnh như rồng, như sư tử thì "khó" cấm được chuyện uống bia.
Bạn đọc Duy Tùng thì tự tin chốt: "Không gì là không thể. Không tự do sử dụng rượu bia, không "chìm" trong rượu bia, các nước trên thế giới người ta làm được thì Việt Nam cũng sẽ làm được. Quan trọng là có quyết tâm làm hay không mà thôi. Chuyện cấm đốt pháo, bắt buộc đội mũ bảo hiểm trước đây cũng bị phản ứng, nhưng rồi chúng ta cũng làm được, chuyện rượu bia kỳ này sẽ không ngoại lệ".
Bình luận (0)