Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ quy định học sinh ở các xã biên giới, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí học tập 70.000 đồng/tháng. Thế nhưng, học sinh tại rất nhiều huyện ở khu vực Tây Nguyên đã không nhận được tiền hỗ trợ này.
Mòn mỏi chờ đợi
Nhận được thông báo của chính quyền địa phương về việc làm hồ sơ để được hỗ trợ chi phí học tập, trong năm học 2010-2011 và 2011-2012, hàng trăm phụ huynh học sinh trên địa bàn các xã Đức Mạnh và Đắk Sắk, huyện Đắk Mil đã làm hồ sơ theo yêu cầu rồi mòn mỏi chờ nhưng số tiền trên vẫn chưa thấy.
Ông Trần Văn Hải (ngụ thôn Thọ Hoàng, xã Đắk Sắk) bức xúc: “Ngay sau khi có thông báo, tôi đã làm hồ sơ đầy đủ và nộp đúng thời hạn cho 3 con đang theo học tại địa phương. Đến thời hạn nhận hỗ trợ thì cả 3 con của tôi đều không có trong danh sách được nhận tiền. Mỗi lần họp phụ huynh học sinh, tôi đều kiến nghị nhưng nhà trường trả lời là chưa có tiền. Thấy vô lý, tôi tiếp tục hỏi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng khác thì nhận được câu trả lời là cứ chờ đi”.
Tương tự, ông Phạm Hữu Hùng - Trưởng thôn Đức Lợi, xã Đức Mạnh - làm hồ sơ hưởng tiền hỗ trợ học tập cho 2 con là Phạm Trần Nguyệt Minh và Phạm Trần Ngọc Lan. Sau 4 tháng khi có danh sách những người nhận tiền nhưng không có tên các con, ông lên xã gặp người phụ trách là bà Hoàng Thị Phượng để hỏi thì được cho biết hồ sơ của Minh bị thất lạc. Ông Hùng tiếp tục làm hồ sơ nhưng khi mang lên nộp thì bà Phượng nói đã hết hạn. Riêng hồ sơ của Lan thì được thông báo là đã quá hạn nên không được xử lý. “Hồ sơ của các con tôi đều nộp đúng quy định và không có sai sót gì nhưng họ không xử lý, sau đó còn đổ lỗi” - ông Hùng nói.
Cử tri lên tiếng mới vào cuộc
Theo thống kê của UBND huyện Đắk Mil, chỉ tính riêng 2 xã Đắk Sắk và Đức Mạnh hiện có 365 học sinh chưa được nhận tiền hỗ trợ chi phí học tập trong các năm học 2010-2011 và 2011-2012, với tổng số tiền là hơn 300 triệu đồng. Trong đó, xã Đức Mạnh có 84 học sinh và xã Đắk Sắk có 281 học sinh.
Trả lời về vấn đề này, ông Lường Xuân Thành, Phó Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Đắk Mil, cho biết cán bộ chuyên trách ở xã chép dữ liệu của học sinh từ máy tính vào USB cùng với hồ sơ gốc rồi nộp lên Phòng LĐ-TB-XH. Vào thời điểm đó, bà Phan Thị Thanh Nga, nhân viên văn thư - thủ quỹ Phòng LĐ-TB-XH huyện Đắk Mil, được giao nhiệm vụ thu nhận hồ sơ của 4 xã, trong đó có Đắk Sắk và Đức Mạnh. Theo quy trình xử lý, bà Nga sẽ mở dữ liệu từ USB của xã, đối chiếu với hồ sơ gốc rồi nhập vào hệ thống chi trả. Tuy nhiên, do máy tính nhiễm virus nên dữ liệu của 281 học sinh bị mất, trong khi bà Nga đã bỏ quên những hồ sơ gốc này sang hồ sơ đã xử lý. “Hồ sơ bị thất lạc nên phòng không giải quyết được chế độ cho học sinh” - ông Thành nói.
Còn ông Ngô Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, lý giải: “Ngay sau khi nhận được ý kiến của cử tri, tôi đã chỉ đạo các bộ phận liên quan kiểm tra đến 3 lần nhưng vẫn không tìm ra. Lần thứ 4, tôi trực tiếp dẫn đoàn đến Phòng LĐ-TB-XH yêu cầu kiểm tra toàn bộ, lục cả kho lưu trữ mới phát hiện những hồ sơ chưa xử lý lẫn lộn trong đó”.
Điều đáng nói, trong suốt hơn 2 năm qua, hàng trăm phụ huynh học sinh đã nhiều lần phản ánh (bằng miệng và văn bản) nhưng vẫn không được Phòng LĐ-TB-XH huyện Đắk Mil và chính quyền địa phương xem xét. Đến khi cử tri lên tiếng thì UBND huyện mới vào cuộc.
Làm rõ sai phạm để xử lý
Ông Ngô Thanh Hải cho biết hiện kinh phí hỗ trợ cho 365 học sinh đã bị thu hồi. Trước mắt, UBND huyện Đắk Mil đề nghị Sở Tài chính và UBND tỉnh Đắk Nông xem xét cho huyện khắc phục sai sót bằng cách lấy nguồn kinh phí còn dư của Nghị định 49 để hỗ trợ. “Do sự thiếu trách nhiệm của bộ phận chuyên môn và một số cá nhân thuộc Phòng LĐ-TB-XH huyện Đắk Mil và chính quyền địa phương nên mới xảy ra tình trạng đáng tiếc. Chúng tôi đang khẩn trương làm rõ những sai phạm của từng cá nhân để có hình thức xử lý” - ông Hải nói.
Bình luận (0)