Nhiều năm qua, đề thi học kỳ, thi tuyển sinh lớp 10, các môn học ở một số địa phương từng xảy ra những nhầm lẫn, sai sót đáng tiếc, ảnh hưởng đến tâm lý, kết quả bài làm của học sinh. Có trường hợp được phản ánh lên các phương tiện thông tin song cũng có không ít trường hợp tự giải quyết, xử lý, rút kinh nghiệm trong nội bộ ngành. Kể cả một số đề thi tốt nghiệp THPT, đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng những năm trước đây cũng có “vấn đề” về câu chữ, cách hỏi “đánh đố”, nội dung nằm ngoài chương trình, thậm chí sai sót về mặt kiến thức, khoa học. Sau khi giới chuyên môn, dư luận phát hiện, ban ra đề phải đính chính, điều chỉnh đáp án, hướng dẫn chấm, thậm chí thưởng điểm cho tất cả thí sinh.
Gần đây, cách kiểm tra, đánh giá ở nhà trường phổ thông có những đổi mới, cải tiến theo hướng đề mở, phát huy năng lực, phẩm chất của người học, đặc biệt bộ môn ngữ văn. Có thể nói rằng để ra được những đề bài kiểm tra, đề thi bảo đảm mọi tiêu chí như chính xác, khoa học, phân loại được chất lượng học tập của học sinh ở bất cứ môn học nào, cấp học nào là công việc vô cùng khó, cực nhọc, tốn kém nhiều thời gian, công sức, đòi hỏi rất cao ở trách nhiệm, năng lực, trình độ chuyên môn của giáo viên. Không mấy thầy giáo, cô giáo trong cả đời dạy học lại dám tự hào về bản thân mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề ấy. Với môn học có tính đặc thù như ngữ văn, rất phong phú, đa dạng về ngữ liệu, về cách diễn đạt, cách hiểu, nếu thầy cô giáo, ban ra đề “non tay nghề”, thiếu thận trọng, cân nhắc khi ra đề, làm ma trận đề, đáp án chấm thì dễ dẫn đến những nhầm lẫn, sai sót.
Làm gì để có được những đề kiểm tra, đề thi tốt, đáp ứng yêu cầu, đánh giá, phân loại được các đối tượng học sinh? Trước hết, nó phụ thuộc nhiều vào kiến thức, năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp của thầy cô giáo. Tiếp đến, muốn có được những phẩm chất đó, thầy cô giáo cần phải được tập huấn, trau dồi, cọ xát thường xuyên về kỹ thuật, về năng lực cách ra đề, đáp án chuẩn.
Theo tôi, những đề thi học kỳ, tuyển sinh vào lớp 10 có tính chất quan trọng ở nhà trường, địa phương thì các trường, các phòng, sở giáo dục - đào tạo nên cân nhắc, lựa chọn, giao việc khó nhọc này cho những giáo viên có năng lực tốt, có nhiều kinh nghiệm trong ra đề. Ra đề, đáp án xong rồi, người ra đề hoặc ban phản biện đề phải soát xét hết sức kỹ lưỡng từng dấu phẩy, dấu chấm, từng câu, từng chữ... càng nhiều lần càng tốt. Kỹ lưỡng, thận trọng trong khâu làm đề thi không bao giờ thừa cả.
Bình luận (0)