Cụ thể chất lượng đầu vào như thế nào, bảo quản chế biến ra sao… không ai kiểm soát được, có chăng chỉ hoàn toàn dựa vào lương tâm, sự tự giác của bên bán, sự lựa chọn của người mua. Vì mưu sinh và cũng để hạ giá thành/giá bán, một số người bất chấp tất cả, miễn sao giá rẻ, có lời nhiều.
Thêm vào đó là sự dễ dãi trong ăn uống của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Thế nên không khó bắt gặp đồ ăn thức uống thiếu sự che đậy, chén, đũa, muỗng, ly được rửa đi rửa lại nhiều lần chỉ với một chậu nước, lau chùi cũng bằng một cái khăn duy nhất và chất thải nước thải đổ bừa ra mặt đường hoặc xuống cống rãnh không qua xử lý. Việc làm này cần phải ngăn chặn, bởi đây là nguyên nhân gieo rắc nhiều thứ bệnh, nên phòng ngừa từ xa trước khi quá muộn, cũng như tránh mọi hệ lụy khác.
Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế buôn bán hàng rong đóng góp một phần quan trọng vào an sinh xã hội, nên cần nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện trong khuôn khổ luật pháp. Cụ thể muốn buôn bán phải đạt được những tiêu chí sạch sẽ, an toàn thực phẩm, giữ vệ sinh môi trường, không xả thải bừa bãi, bảo đảm an ninh trật tự, mỹ quan đô thị.
Đặc biệt bán ở đâu, mặt hàng gì… cần phải có quy định rõ ràng, cũng như có nên cho bán ở gần trường học, bệnh viện… hoặc bán đồ ăn thức uống sát với nơi kinh doanh thực phẩm tươi sống hay không. Trả lời câu hỏi này thuộc trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất có thể chấp nhận được, để người bán, người mua yên tâm cũng như đem lại các lợi ích xã hội khác, hướng tới mục đích tốt đẹp là an dân bền vững.
Bình luận (0)