Gia đình tôi có cửa hàng tạp hóa tại con phố nhỏ dẫn vào một trường THPT thuộc quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Phía sau nhà tôi có khoảng 5-7 hộ nhận giữ xe cho học sinh (HS) của trường này. Trong số hàng trăm xe của HS gửi tại đây, có không ít xe phân khối lớn mà chắc chắn rằng số đông HS đi xe này chưa có giấy phép lái xe. Ngoài ra, tôi cũng thường thấy cảnh nhiều HS đi xe máy, xe đạp điện chở 2-3 người cùng lúc đến trường mà không đội mũ bảo hiểm.
Thực trạng HS cấp 3, thậm chí là một số HS cấp 2 được bố mẹ nuông chiều cho đi học bằng xe máy, không cần biết tới quy định, luật giao thông cũng như những nguy hiểm rình rập trên đường rất đáng báo động. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do nhận thức của cha mẹ HS đối với việc mua sắm phương tiện đi lại cho con em mình. Nhiều gia đình mua sắm xe máy “xịn” cho con em mà không quan tâm đến nhu cầu thực tế cũng như cách thức các em sử dụng xe. Nhiều HS nhà gần trường nhưng cũng đi xe máy đến trường để ra oai với bạn bè cùng lớp. Ngoài ra, công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng CSGT có phần bị sao nhãng, thiếu kiên quyết.
Để hạn chế tình trạng HS vi phạm luật giao thông, trước hết CSGT cần tăng cường xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông của HS, kết hợp với nhà trường tổ chức một số buổi học về an toàn giao thông, giúp các em nhận thức được sự quý giá của tính mạng, sức khỏe con người, những hệ lụy tai hại gây ra cho gia đình, xã hội khi có người bị tai nạn giao thông, từ đó cẩn trọng hơn khi ra đường.
Ngoài ra, trách nhiệm giáo dục, giám sát của phụ huynh rất quan trọng. Bố mẹ không nên nuông chiều, cho con em chưa đủ tuổi trưởng thành được đi xe máy đến trường mà nên yêu cầu các em đi xe đạp hoặc có cho sử dụng xe đạp điện thì cũng phải nhắc nhở luôn đội mũ bảo hiểm và không được chở quá số người quy định.
Nếu được giáo dục thường xuyên từ nhiều phía, tôi tin rằng sẽ hạn chế đáng kể tình trạng HS vi phạm luật khi tham gia giao thông và cũng ngăn ngừa được những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Bình luận (0)