"Lắm sãi không ai đóng cửa chùa". Biết rằng mọi sự so sánh là khập khiễng nhưng xin được mượn hàm ý của câu tục ngữ trên để ví von về tình trạng hiện nay, đó là có nhiều cơ quan được giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhưng khi có sự việc xảy ra thì nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân không biết kêu ai.
Liên tiếp các vụ bạo hành trẻ em
Theo quy định của Luật Trẻ em được Quốc hội thông qua vào ngày 5-4-2016, Nghị định 56/2017/NĐ-CP, ngày 9-5-2017, của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em, hiện nay có đến 15 cơ quan, tổ chức, đoàn thể từ trung ương đến địa phương được giao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và can thiệp khi trẻ em bị bạo hành, xâm hại.
Như vậy, hiện nay, ngoài cơ quan bảo vệ trẻ em thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội, từ trung ương đến tận xã phường, còn rất nhiều cơ quan khác cũng được giao nhiệm vụ bảo vệ trẻ em. Cụ thể, Quốc hội, Chính phủ (các bộ ngành y tế, giáo dục, tư pháp, văn hóa - thể thao…), Bộ Công an, VKSND các cấp, TAND các cấp, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, MTTQ, UBND các cấp, HĐND các cấp… cũng được quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em.
Thế nhưng, trong vòng hơn một tuần qua, dư luận cả nước rúng động khi liên tiếp xảy ra 5 vụ trẻ em bị bạo hành, trong đó có 2 trường hợp trẻ bị sát hại dã man. Sau vụ bảo mẫu ở Phủ Lý (Hà Nam) tung đứa trẻ hơn 1 tháng tuổi chưa làm dư luận nguôi giận dữ, thì tại Kiên Giang một bé gái bị người thân dùng thanh sắt nóng ấn vào mặt và tay. Liền sau đó, tại TP HCM, dư luận bàng hoàng khi xem clip các bé ở lớp Mầm non Mầm Xanh (quận 12) bị bảo mẫu dùng nhiều vật dụng, có cả dao, đánh vào người; rồi 1 cậu bé 6 tuổi ở quận Tân Phú bị bảo vệ dân phố có tiền sử tâm thần cứa cổ; một bé gái mới 20 ngày tuổi ở Thanh Hóa bị chính bà nội sát hại… Thật quá đau lòng!
Hiện trường phát hiện thi thể cháu bé 20 ngày tuổi bị sát hạiẢnh: Thanh Tuấn
Hoạt động bề nổi, thiếu thực tiễn
Qua thực tiễn thực thi pháp luật cho thấy dù có nhiều đầu mối tiếp nhận thông tin nhưng chỉ có một vài cơ quan có thực quyền để xử lý khi trẻ bị xâm hại, đó là cơ quan bảo vệ trẻ em thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội và ngành công an. Khi vụ việc đến mức xử lý hình sự thì có thêm sự tham gia của VKSND và TAND. Các cơ quan còn lại, khi tiếp nhận thông tin đều không thể xử lý mà phải chuyển lên cơ quan có thực quyền. Việc tiếp nhận thông tin rồi chuyển đi, chuyển lại rõ ràng là không hiệu quả và làm cho những kẻ gây ra các hành vi xâm hại nhờn luật.
Ngoài ra, nhiều vụ xử lý hình sự chưa đủ tác dụng răn đe do mức hình phạt không tương xứng với hành vi. Không phải do pháp luật không nghiêm mà việc áp dụng pháp luật của người thực thi công vụ trong nhiều trường hợp chưa sát, chưa triệt để. Mặt khác, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em hầu như chỉ hoạt động bề nổi, không có tính thực tiễn. Nhiều trường hợp tuyên truyền rầm rộ nhưng hết đợt thì người dân chẳng nắm được mấy nội dung. Đây chính là những nguyên nhân làm cho tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng tăng.
Vì vậy, theo tôi, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu giảm bớt đầu mối mang tính "phong trào", xây dựng một cơ quan chuyên nghiệp, hiệu quả trong việc phát hiện, ngăn chặn và bảo vệ trẻ em có nguy cơ bị bạo hành, bị xâm hại. Đối với những trường hợp bị xử lý hình sự, phải có đường lối xử lý nghiêm, không áp dụng án treo đối với những đối tượng bạo hành, xâm hại trẻ em, kể cả khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Đừng chỉ lên tiếng, hãy cùng hành động!
Những ngày qua, dư luận phẫn nộ trước hình ảnh những đứa trẻ trong độ tuổi mầm non bị chính bảo mẫu bạo hành bằng những hành động tàn nhẫn mà ngay cả nhiều người cứng rắn cũng không dám xem hết clip.
Căm phẫn hơn khi gần như tất cả các em trong nhóm đều bị bạo hành. Ai có thể định dạng những tổn thương tâm lý của các em? Tất cả mọi sự lý giải, hối hận, xin lỗi đều trở nên vô nghĩa… Trẻ con thì phải hiếu động, biếng ăn, sổ mũi, đi vệ sinh không đúng chỗ… Đã chọn nghề chăm sóc trẻ phải hiểu và chấp nhận những chuyện này, không thể vì để trẻ ngoan ngoãn, ngồi im, ăn không ói… mà dùng bạo lực.
Không thể phủ nhận những đóng góp của giáo dục mầm non ngoài công lập ở nước ta nhưng những cảm xúc tiêu cực, những ám ảnh từ những vụ bạo hành vừa qua sẽ khiến phụ huynh không thể không hoang mang, lo ngại. Hành vi của những người nhân danh cô giáo mầm non đã trở thành những bước cản cho quá trình phát triển xã hội…
Qua những vụ việc bạo hành trẻ ở các trường mầm non tư thục cũng thấy rõ công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong trường phổ thông, trong đào tạo và bồi dưỡng vẫn còn là một khoảng trống, cần được quan tâm bổ sung. Ngoài ra, quyền trẻ em đã có đó, Luật Phòng chống bạo lực gia đình cũng có, cần lắm sự chung sức hành động của liên ngành, liên bộ và sự đồng thuận của từng người có trách nhiệm với trẻ. Đầu tư cho giáo dục không chỉ là lời nói mà bằng hành động. Cũng xin nhắn nhủ rằng công việc dẫu lớn hay nhỏ cũng cần có trách nhiệm, lương tâm, tình cảm và sự nghiêm túc.
TS Huỳnh Văn Sơn
Bình luận (0)