Nghe chia sẻ của người vợ là sau nhiều lần bị đánh, công an địa phương có đến nhà tìm hiểu sự việc nhưng chị không dám nói vì sợ chồng cho người về tận Kiên Giang đe dọa người thân, tôi thấy quá xót xa và căm phẫn.
Đã có nhiều đạo luật trực tiếp và gián tiếp về việc phòng chống bạo lực gia đình như: Hiến pháp; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Bộ Luật Dân sự; Luật Phòng chống bạo lực gia đình.
Những văn bản này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội nhưng đánh giá một cách khách quan, các quy phạm pháp luật này chưa thực sự đi sâu được vào cuộc sống. Theo báo cáo quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện, gần 63% phụ nữ từng kết hôn hoặc có chồng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực bởi chồng/bạn tình vào một thời điểm nào đó trong đời.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi đó nhưng nguyên nhân được đề cập nhiều nhất là xuất phát từ người có hành vi bạo lực.
Tư duy bất bình đẳng giới, thái độ gia trưởng, tư tưởng trọng nam khinh nữ ở một số đàn ông thanh niên khiến họ tin vào quyền lực của mình để đòi hỏi mọi thành viên trong gia đình, đặc biệt là người vợ, phải tuân thủ yêu sách của họ.
Cho dù luật quy định cụ thể hơn và có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn nhưng nếu ý thức của người dân vẫn không được nâng cao thì cũng không thể hạn chế bạo lực gia đình. Vì vậy, từ sự vụ "vợ bầu 7 tháng tố bị chồng bạo hành dã man như thời trung cổ" ở Hải Dương, cần lắm một bản án nghiêm khắc, đủ sức răn đe cho kẻ gây ra hành vi, cũng là lời cảnh tỉnh mang tính giáo dục xã hội.
Bình luận (0)