Theo quyết định của Chính phủ, lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) xây dựng 3 trung tâm ở 3 miền Bắc - Trung - Nam và sẽ được trang bị trực thăng chữa cháy. Thế nhưng, đến nay, cảnh sát PCCC TP HCM và Hà Nội vẫn chưa tính đến phương án mua trực thăng.
Không phải ngại tốn tiền
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM, cho biết chưa tính đến phương án mua trực thăng để PCCC. Đa phần các nước khai thác những loại máy bay trực thăng chuyên dùng cho cứu hộ cứu nạn, chữa cháy rừng là chính.
“Với việc chữa cháy cho các đô thị thì chúng tôi chưa có dịp tìm hiểu kỹ các loại phương tiện này. Thời gian qua, TP HCM đã đầu tư nhiều loại phương tiện phục vụ cho yêu cầu PCCC, cứu hộ cứu nạn, từng bước đáp ứng được yêu cầu” - ông Bửu nói.
Trước ý kiến cho rằng do kinh phí sắm trực thăng quá lớn nên cảnh sát PCCC chưa mua được, ông Bửu phân tích: “Không phải ngại tốn tiền mà không mua trực thăng, nếu thực sự cần thiết thì Chính phủ cũng phải đầu tư. Vấn đề này cần tính toán kỹ lưỡng bởi ngoài nguồn kinh phí cao thì còn phải tổ chức đào tạo đội ngũ quản lý, khai thác sử dụng, bảo trì và những hoạt động không lưu trong tương lai. Tuy nhiên, với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân thì đòi hỏi phải tăng cường đầu tư phương tiện PCCC, cứu hộ cứu nạn hiện đại hơn nữa”.
Cùng quan điểm, đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội, cho biết vào thời điểm thích hợp sẽ mua trực thăng phục vụ công tác PCCC, cứu hộ cứu nạn. Hiện tại, điều kiện hạ tầng phục vụ công tác này ở Hà Nội chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Giao thông thường xuyên ùn tắc, đường hẹp, nhiều ngõ ngách, dây điện chằng chịt ảnh hưởng đến việc triển khai các phương tiện PCCC, cứu hộ.
Ngoài ra, nguồn nước cho PCCC ở Hà Nội cũng còn thiếu. Nếu tính theo quy chuẩn - cứ 150 m đường phải có 1 trụ nước chữa cháy - thì Hà Nội còn thiếu khoảng 8.000 trụ.
Cần tính toán thấu đáo
Đối với phương án PCCC và cứu hộ trên các tòa nhà tại TP HCM, Cảnh sát PCCC TP đã chuẩn bị kịch bản chu đáo.
Cụ thể, ngay từ khi thiết kế, thi công các tòa nhà cao tầng, cảnh sát PCCC đã yêu cầu thực hiện nghiêm các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC. Các tòa nhà có độ cao vượt hệ thống chữa cháy tự động thì hệ thống cấp nước chữa cháy trong tường phải bảo đảm cung cấp nước ít nhất là 3 giờ. Các tòa nhà cao tầng buộc phải có các thang chữa cháy, thang thoát nạn dành riêng cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp...
“Chúng tôi đã có phương án phối hợp với lực lượng quân đội để thực hiện tốt việc cứu hộ cứu nạn trong các tòa nhà cao tầng, tìm kiếm người bị nạn trên biển. Hiện nay, tài sản và nhân lực của lực lượng PCCC, cứu hộ cứu nạn trên địa bàn tuy còn khiêm tốn nhưng chúng tôi đã sử dụng tốt các phương tiện như xe thang cao 72 m, 52 m và 32 m...” - đại tá Bửu khẳng định.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 17-6 về việc có nên sắm trực thăng để phục vụ công tác PCCC ở những đô thị lớn, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho rằng đây là việc không đơn giản, cần phải được xem xét và tính toán thấu đáo.
Trước đây, Cục Cảnh sát PCCC - Bộ Công an từng đề xuất trang bị trực thăng để phục vụ công tác chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. Song, vẫn còn có nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi cũng như sự an toàn khi sử dụng trực thăng để tham gia chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.
Có thể sử dụng MI-171
Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết khi cần thiết tham gia chữa cháy, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn sử dụng máy bay trực thăng MI-171 của Quân chủng Phòng không - Không quân.
MI-171 không có hệ thống phun mà chỉ có gàu để múc và chứa nước. Mỗi lần bay, MI-171 mang theo được 1,5 m3 nước rồi thả xuống theo phương thẳng đứng để chữa cháy, hết lại bay đi múc nước. Điểm hạn chế lớn nhất của loại trực thăng này là chỉ có thể thả nước thẳng xuống từ nóc chứ không thể phun ngang thân tòa nhà để dập lửa. Hiện Việt Nam chưa có máy bay trực thăng trang bị hệ thống phun nước theo chiều ngang thân các tòa nhà.
“Về chuyện mua máy bay để PCCC thì các địa phương như Hà Nội và TP HCM cần hết sức thận trọng. Ngoài tính hiệu quả thì việc vận hành và quản lý để bảo đảm an toàn kỹ thuật hàng không cũng không phải chuyện đơn giản” - Trung tướng Võ Văn Tuấn băn khoăn.
Bình luận (0)