Để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy trên sông Hậu, TP Cần Thơ sẽ giải tỏa các đáy giăng trên sông. Đây là nghề mưu sinh của hàng chục hộ gia đình, nay họ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp.
Nguy hiểm cho tàu thuyền
Kết quả khảo sát cho thấy trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 17 hàng với 62 miệng đáy cá của 55 hộ dân tập trung trên các tuyến sông Cần Thơ, kênh xáng Xà No, rạch Phong Điền và rạch Ba Láng. Ngoài ra, trên sông Hậu còn có 42 miệng đáy lưu động của người dân tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp.
Theo ông Huỳnh Tấn Kiệt, Phó Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa - Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, những đáy cá này luôn gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người tham gia lưu thông trên sông rạch. Vừa qua, UBND TP Cần Thơ đã thành lập ban chỉ đạo giải tỏa đăng, đáy cá trên luồng đường thủy nội địa và luồng hàng hải qua địa bàn.
Đoạn sông từ hạ lưu vàm Lai Vung đến thượng lưu cù lao Thốt Nốt được xem là “điểm đen” giao thông vì đáy cá giăng khắp nơi. Các phương tiện lưu thông vào ban đêm rất khó phát hiện để tránh, nhất là những đáy không gắn đèn báo hiệu.
Những vụ tai nạn giao thông đường thủy liên quan đến đáy cá trên sông tuy chưa gây thương vong nhưng thiệt hại về tài sản là rất lớn. Trước đây, một chiếc ghe chở gạch đi trên tuyến rạch Trường Tiền - Bông Vang (đoạn từ xã Mỹ Khánh đến xã Giai Xuân, huyện Phong Điền) đã bị chìm khi chân vịt vướng phải sợi dây buộc của đáy cá. Chủ ghe may mắn thoát nạn nhưng tài sản bị thiệt hại gần 80 triệu đồng.
Bà Trần Thị Xuân, Phó trưởng Ban An toàn giao thông TP Cần Thơ, cho biết: “Sau khi thống kê đầy đủ về số hộ đăng, đáy cá, chúng tôi sẽ tiến hành giải tỏa trắng các hàng đáy. Đối với những hàng đáy không ảnh hưởng đến luồng tàu chạy, chúng tôi sẽ cho duy trì hoạt động nhưng với điều kiện là phải có giấy phép của cơ quan thẩm quyền”.
Mong muốn được hỗ trợ
Đóng đáy cá trên sông Hậu là nghề mưu sinh của nhiều gia đình từ bao đời nay.
Ông Trần Bá Nhận (ngụ cồn Ấu, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) bùi ngùi: “Cả dòng họ nhà tôi có tới 8 gia đình đều sống bằng nghề đáy cá. Tôi làm đáy cá từ năm 14 tuổi, con cháu sau đó cũng theo nghề này. Kiếm được mớ cá nào, chúng tôi đều đem ra chợ bán mua gạo sống qua ngày. Nếu nghỉ đóng đáy thì gia đình tôi không biết làm gì, ở đâu vì trước giờ đều sống trên ghe”.
Ông Lê Tấn Tài (ngụ phường Hưng Phú) cũng đang lo trước thông tin nghề kiếm cơm nuôi sống gia đình sẽ không được làm nữa. “Ông nội tôi, cha tôi rồi tới lượt tôi đều hành nghề đóng đáy. Thu nhập của nghề này chỉ đủ nuôi 4 miệng ăn trong nhà nên đến nay, gia đình tôi vẫn là hộ nghèo. Phải chi được nhà nước hỗ trợ cho vay tiền, tôi sẽ mua chiếc xe đi lấy cá về cho vợ ra chợ bán, khỏi lênh đênh sông nước nữa” - ông Tài bày tỏ.
Trước nguyện vọng của nhiều người dân, Ban An toàn giao thông TP Cần Thơ đã đề nghị UBND TP và các ngành chức năng xem xét có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho từng chủ đáy cá, tạo điều kiện cho họ có nghề mới làm ăn, ổn định cuộc sống.
Giúp người dân chuyển đổi nghề
Theo ông Lê Thuận Bé, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, sở đã thành lập 2 tổ công tác, phối hợp với chính quyền địa phương thống kê tất cả những đáy cá trên sông. Từ đó, sở sẽ đề xuất với UBND TP mức chi phí hỗ trợ chuyển đổi nghề cho những người làm đáy cá để họ tìm nghề khác mưu sinh.
Trước đó, tỉnh Hậu Giang đã làm rất tốt khi hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi chủ hàng đáy trên sông Cái Côn (thị xã Ngã Bảy) để người dân chuyển đổi nghề.
Bình luận (0)