Nằm ở vị trí đắc địa với quy mô cao 42 tầng (cao 195 m), hứa hẹn sẽ là một trong những công trình cao, đẹp nhất TP HCM nhưng sau khi đã hoàn thành phần thô, gần 3 năm qua, mọi người qua lại đều thắc mắc vì sao công trình vẫn nằm trơ. Trong đơn gửi Báo Người Lao Động mới đây, đại diện Ban Chấp hành Công đoàn Sài Gòn M&C khẩn cầu các bên liên quan tìm biện pháp “giải cứu” dự án, bảo đảm quyền lợi cổ đông, người lao động.
Kiệt quệ tài chính
Saigon One Tower (tên cũ là Saigon M&C Tower) nằm ngay góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt (quận 1,
TP HCM) do Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C (Sài Gòn M&C) làm chủ đầu tư, có tổng vốn lên tới 256 triệu USD. Dự án khởi công năm 2009, dự kiến hoàn thành trong năm 2011. Thiết kế dự án là tòa văn phòng và căn hộ hạng A. Dự án được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC do nhà thầu Bouygues Batiment International thi công. Giá bán căn hộ dự kiến 7.000 USD/m2.
Dù vậy, sau khi xây dựng phần thô thì dự án đã dừng thi công, “trơ xương” từ cuối năm 2011 cho đến nay. Nguyên nhân là do thiếu vốn dẫn đến nhà thầu ngừng thi công. Điều đáng chú ý là dự án sử dụng chủ yếu vốn vay nên dù ngừng thi công vẫn phải nợ ngân hàng với chi phí lãi ước tính trên 1 tỉ đồng/ngày. Trước khi dự án triển khai, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đông Á và Sài Gòn M&C đã tổ chức ký hợp đồng tài trợ cho dự án với tổng số tiền cho vay 133,5 triệu USD, trong đó số tiền cam kết cho vay của Vietcombank là 110 triệu USD.
Tại đơn cầu cứu, đại diện Ban Chấp hành Công đoàn Sài Gòn M&C cho biết do phải ôm khoản nợ quá lớn từ các ngân hàng như nói trên nên hơn 6 tháng qua, người lao động trong công ty không được trả lương, không có bảo hiểm, mọi hoạt động gần như ngưng trệ. Khả năng dự án về tay các tổ chức tín dụng là rất lớn, trong đó có 30% vốn của doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist).
Khuất tất từ cổ đông lớn
Trong giai đoạn trước khi thực hiện dự án Saigon One Tower, cổ đông lớn của Sài Gòn M&C là Công ty CP M&C (gọi tắt là M&C). Đơn vị này chiếm 49% vốn điều lệ, đã mang trên 10,46 triệu cổ phiếu, tương ứng 20% vốn điều lệ, thế chấp cho Công ty CP Tài chính Dầu khí (PVFC - hiện đã sáp nhập với Ngân hàng Phương Tây). Đến thời hạn thanh toán mà phía M&C không có khả năng trả nên PVFC yêu cầu được lấy cổ phần và trở thành cổ đông. Lúc đó, ông Phạm Thanh Dũng, Tổng Giám đốc M&C, đã ký xác nhận và cấp sổ cổ đông cho PVFC. Tuy nhiên, việc này lại không lưu điều chỉnh vào sổ cổ đông của M&C nên PVFC hoàn toàn không có tên trong danh sách, không là cổ đông của M&C cho đến nay. Nhiều lần đại hội cổ đông diễn ra nhưng PVFC đều không được triệu tập. Sau khi vụ việc được đưa ra tòa, tòa án yêu cầu M&C phải thừa nhận PVFC là cổ đông. Thế nhưng, từ đó đến nay, M&C vẫn không chịu thi hành án. Bên cạnh đó, M&C vẫn còn chiếm dụng của Sài Gòn M&C 149 tỉ đồng chưa giải quyết. Một số cá nhân là lãnh đạo, nhân viên công ty (đã nghỉ việc) tạm ứng với số tiền lên đến 25 tỉ đồng nhưng vẫn không truy thu được.
Để tháo gỡ thế bế tắc của dự án, bà Nguyễn Thị Cúc, thành viên ban kiểm soát, đại diện Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (chiếm 5% cổ phần), cho biết PNJ cũng như Ngân hàng Đông Á, Saigontourist và các cổ đông khác đã kiến nghị HĐQT Sài Gòn M&C nhanh chóng đàm phán với ngân hàng, gọi thêm vốn đầu tư giai đoạn cuối, gấp rút hoàn thành dự án và sớm đi vào hoạt động. Về việc này, ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Saigontourist, xác nhận HĐQT Sài Gòn M&C đã họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn để việc thi công công trình được tiếp tục. Ông Phùng Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch HĐQT Sài Gòn M&C, cũng cam kết sẽ hoàn thành việc thanh toán cho nhà thầu trong một vài ngày tới để thi công trở lại. Theo ông Việt, khó khăn của Sài Gòn M&C cũng là khó khăn chung của thị trường địa ốc, còn những khuất tất trong việc bán cổ phần cho PVFC trước đây thì do phía cổ đông lớn là M&C gây ra, họ có trách nhiệm giải quyết, sai phạm ra sao sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Ưu tiên giải quyết nợ lương
Trước kiến nghị của Ban Chấp hành Công đoàn Sài Gòn M&C về việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng HĐQT Sài Gòn M&C cần nhanh chóng tìm biện pháp giải quyết. “Việc nợ lương và các chế độ đối với người lao động thì HĐQT bắt buộc ưu tiên giải quyết vì khoản này không lớn” - bà Cúc nhấn mạnh.
Bình luận (0)