xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cấp thiết xây nhà vệ sinh công cộng

SỸ ĐÔNG - PHAN ANH - QUỐC CHIẾN

Việc đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng một cách bài bản, đúng chuẩn là yêu cầu cần thiết cho phát triển du lịch cũng như xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại của TP HCM

“Tôi vào 2 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) nhưng các nhân viên ở đó đều báo không thể sử dụng, chắc phải chui vào lùm cây ven đường” - vừa bước ra khỏi NVSCC gần giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm, anh Trần Văn Toàn (tài xế taxi) vừa càu nhàu. Không chỉ mình anh Toàn, chúng tôi quan sát trong vòng 5 phút, nhiều tài xế tấp vào NVSCC ở đây đều phải hậm hực bước ra, tìm vội nơi kín đáo để “trút bầu tâm sự”.

Thiếu và dơ

Theo giải thích của nhân viên NVSCC nơi đây, do NVS hết nước nên không thể cho khách sử dụng. Chúng tôi nhìn vào trong thì thấy phòng NVS chật hẹp, cũ kỹ, bên dưới là những miếng tôn, nhựa lót tạm bợ trên nền composite đã rạn nứt, sẵn sàng sụp xuống bất cứ lúc nào.

“Tôi làm nghề này hơn 10 năm rồi, càng ngày khách vào NVSCC càng ít. Nhiều người lén “xả” luôn bên hông NVS hoặc lùm cây bên đường. Có ngày ngồi từ sáng tới chiều mà cuối cùng tính ra, tôi còn bị âm vì phí nước, phí thuê mặt bằng” - nhân viên NVSCC chia sẻ.

Nhà vệ sinh công cộng miễn phí do Sacombank xây dựng tại các công viên 23-9, Tao Đàn, Lê Văn Tám nhận được sự ủng hộ của người dân Ảnh: SỸ ĐÔNG
Nhà vệ sinh công cộng miễn phí do Sacombank xây dựng tại các công viên 23-9, Tao Đàn, Lê Văn Tám nhận được sự ủng hộ của người dân Ảnh: SỸ ĐÔNG

Tại NVS bến xe buýt 23-9, mỗi lần sử dụng trả 3.000 đồng nhưng khách lại phải chịu đựng các thiết bị cáu bẩn, cũ kỹ, sàn ẩm ướt, dơ bẩn và bốc mùi. NVS ở khu vực Bến Thành (2.000 đồng/lượt sử dụng), NVS bằng chất liệu composite trên góc đường Nguyễn Du - Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng Tám, Huỳnh Thúc Kháng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa… cũng thu phí 3.000 đồng/lượt nhưng chẳng khá hơn là bao.

Tại các điểm tập trung đông người như bến xe, bệnh viện, điểm du lịch…, nhiều nơi thiếu NVSCC khiến người dân, du khách “điêu đứng” khi muốn giải quyết nhu cầu bức thiết. Đơn cử khu vực đường Nơ Trang Long, đoạn gần Bệnh viện Ung Bướu (quận Bình Thạnh), vốn đông người đi khám chữa bệnh, xe ôm và hàng rong nhưng không có lấy một NVSCC. Tương tự, khu vực Làng ĐH Thủ Đức đang hướng tới xây dựng khu đô thị sinh viên hiện đại với hàng ngàn sinh viên học tập và sinh sống; Công viên 30-4 (quận 1), bên ngoài Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (quận 3), Bưu điện TP, dọc một số tuyến đường lớn như Pasteur (quận 1), Cách Mạng Tháng Tám (qua các quận 3, 10), Trường Chinh (quận 12)… tìm mỏi mắt cũng không thấy NVSCC. Còn trước Bến xe Miền Đông (đường Đinh Bộ Lĩnh) và hẻm 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh trở thành “bãi đáp” của một số người hành nghề xe ôm do NVS trong bến xe cách xa điểm đón xe ôm và tốn phí.

Xã hội hóa công trình

Bà Nguyễn Thị Hoa (nhà cạnh các quán nhậu tại vòng xoay ký túc xá khu A ĐHQG, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) chia sẻ: “Do dân nhậu vô tư tiểu tiện trước cổng nhà hôi thối chịu không nổi, tôi nghĩ ra cách lấy bát hương, nhang đèn ra để trước cửa, tôi cũng kiếm thêm dây điện rồi cảnh báo: “Bên dưới có cáp ngầm điện lực, nguy hiểm chết người” để “hù”. Nhiều người thấy sợ, không dám tiểu tiện nhưng nhiều người say quá thì vẫn thản nhiên xả bậy. Theo tôi, nên ra quy định bắt buộc mở quán nhậu phải có NVS sạch sẽ để phục vụ khách”.

Phụ trách địa bàn phường có Bệnh viện Ung Bướu và Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đông người nhưng thiếu NVSCC nên thường xuyên xảy ra tình trạng tiểu tiện, phóng uế bừa bãi, ông Lưu Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường 7, quận Bình Thạnh, cho biết phường thường xuyên ra quân chốt chặn cũng như xử lý những trường hợp vi phạm xả rác, tiểu tiện ra đường. “Ngoài công tác tuyên truyền, xử phạt, TP nên xây dựng những NVSCC đạt chuẩn tại các khu vực đông dân cư, bệnh viện… để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, xây dựng lối sống văn minh đô thị bền vững” - ông Tâm đề xuất.

Mới đây, tại cuộc họp nghe các sở - ngành, quận - huyện báo cáo tình hình thực trạng đầu tư xây dựng các NVSCC trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng việc đầu tư xây dựng NVSCC một cách bài bản, đúng chuẩn là yêu cầu cần thiết cho phát triển du lịch cũng như xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại của TP. Đây là một việc tuy nhỏ nhưng ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị. Ông Tuyến đề nghị các đơn vị sửa chữa và nâng cấp các NVS hiện có. Riêng việc xây mới NVSCC, ông Tuyến nêu quan điểm vận động, kêu gọi nhà đầu tư xây NVSCC, có thể cho họ quảng cáo, dựng các ki-ốt bán hàng... Đặc biệt, ông Tuyến đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) nghiên cứu, thẩm định, đề xuất chiến lược “đổi đất lấy công trình” trong xây dựng NVSCC theo hướng lựa chọn 1 hoặc 2 nhà đầu tư có khả năng để xây dựng hệ thống NVSCC cho toàn TP.

Phó Giám đốc Sở TN-MT TP Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết cơ quan này được TP giao làm đề án liên quan đến việc xây dựng, lắp đặt NVSCC và thùng rác công cộng cho TP.

Theo thống kê của Sở TN-MT TP HCM, hiện toàn TP có 208 NVSCC, trong đó 155 NVS tập trung ở các tuyến đường, các công viên, bến xe, chợ. Riêng các điểm thu hút khách du lịch có 53 NVSCC.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo