Liên quan đến vụ việc cắt xén hàng tỉ đồng của học viên học và thi giấy phép lái xe (GPLX) ôtô mà Báo Người Lao Động đã phản ánh, ông Chung Thành Ngà, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ giao thông vận tải Bình Định (viết tắt là Trung tâm), thừa nhận thời gian qua, đơn vị đã giảm số kilômet (km) thực hành lái ôtô của học viên so với quy định của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành và hợp đồng đào tạo được ký kết giữa Trung tâm với học viên.
Do lỗi của học viên (?)
Tuy nhiên, ông Chung Thành Ngà cho rằng gần đây, phần lớn những người theo học và thi GPLX ôtô tại Trung tâm đều trẻ tuổi. Sau khi học thực hành lái xe một thời gian trên quãng đường khoảng vài trăm km, đến lúc bắt đầu biết lái xe, họ không muốn tiếp tục thực hành lái xe nữa.
"Khi học viên không muốn tham gia thực hành lái xe nữa thì Trung tâm đành chịu, cho họ thi tốt nghiệp và thi lấy GPLX chứ biết làm sao bây giờ? Tôi thừa nhận việc dạy thực hành lái xe cho học viên không đủ số km theo hợp đồng đã ký kết giữa Trung tâm và học viên là sai quy định nhưng đây là lỗi của học viên chứ không phải do Trung tâm" - ông Chung Thành Ngà phân trần.
Giờ thực hành lái xe thực tế của khóa C-257 và hợp đồng ghi số km thực hành (1.100 km)
Trong khi đó, rất nhiều học viên học và thi GPLX ôtô tại Trung tâm khẳng định họ không hề muốn cắt giảm thời gian thực hành lái xe. "Phần lớn học viên học và thi GPLX hạng C tại Trung tâm đều có hoàn cảnh khó khăn, muốn học để có GPLX sau này làm nghề kiếm sống. Trong quá trình thực hành lái xe, giáo viên cho chạy bao nhiêu km thì chạy bấy nhiêu chứ có biết gì về quy định. Thực tế, ai trong chúng tôi cũng muốn thực hành lái xe càng nhiều càng tốt để cứng tay lái, đâu ai muốn bỏ bớt giờ học" - một học viên khóa C-257 tại Trung tâm bức xúc.
Nhiều giáo viên dạy thực hành lái ôtô tại Trung tâm cho biết thời gian qua cũng có trường hợp học viên biết chạy ôtô từ trước nên ít tham gia thực hành lái xe, tuy nhiên số này rất ít. Còn việc số km thực hành lái xe của học viên bị thiếu nhiều so với quy định là do lãnh đạo Trung tâm yêu cầu giáo viên cho dạy với số km như vậy, không phải do học viên không muốn thực hành lái xe.
"Bị kỷ luật nên... nói lung tung" (?!)
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc số tiền nhiên liệu dư hàng tỉ đồng, thậm chí lên đến hàng chục tỉ đồng trong nhiều năm qua từ việc "cắt xén" thời gian thực hành lái xe của học viên, ông Chung Thành Ngà cho biết toàn bộ số tiền này được nhập vào nguồn kinh phí hoạt động của Trung tâm, bản thân ông không hề "bỏ túi" đồng nào.
"Sau khi nhập số tiền chênh lệch có được từ việc học viên thực hành lái xe thiếu số km so với quy định vào nguồn kinh phí chung của Trung tâm, chúng tôi trích ra để nộp thuế, đầu tư, chi thường xuyên... Do Trung tâm là đơn vị sự nghiệp của nhà nước nên sau khi chi không hết thì số tiền đó vẫn là tiền của ngân sách chứ không mất đi đâu cả" - ông Chung Thành Ngà lý giải.
Về việc nhiều giáo viên dạy thực hành lái xe phản ánh bị lãnh đạo Trung tâm ép ký 2 sổ thực hành lái xe và 2 phiếu nhiên liệu thực và ảo trong thời gian qua nhằm đối phó với các cơ quan chức năng, ông Chung Thành Ngà khẳng định không có chuyện này. "Gần đây, một số giáo viên dạy lái xe ở Trung tâm chúng tôi có hiện tượng "chân trong chân ngoài", vi phạm quy định của cơ quan nên bị kỷ luật. Có lẽ vì thế nên họ bực mình, đi nói lung tung chứ làm gì có chuyện như thế" - ông Chung Thành Ngà phân bua.
Ngược lại, nhiều giáo viên dạy thực hành lái xe tại Trung tâm khẳng định không ai nghỉ việc và cũng không ai bị kỷ luật trong những năm gần đây.
Sở GTVT tỉnh Bình Định yêu cầu báo cáo
Trung tá Nguyễn Trần Xuân Vương, Trạm trưởng Trạm CSGT Tuy Phước - Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định, phân tích trước khi đưa ra chương trình đào tạo GPLX ôtô, các cơ quan chức năng đã nghiên cứu rất kỹ về thời gian học lý thuyết và thực hành lái xe, nhất là trên đường trường. Vì vậy, mỗi hạng GPLX, thời gian đào tạo về lý thuyết và thực hành khác nhau. Đặc biệt, quá trình thực hành lái ôtô, học viên không chỉ được đào tạo để biết điều khiển xe mà còn được giáo viên rèn luyện các kỹ năng để xử lý tình huống và những kinh nghiệm cần thiết khi lái xe trên đường. Việc học viên không được đào tạo đầy đủ thời gian về lý thuyết cũng như thực hành theo đúng chương trình mà cơ quan chức năng ban hành thì rất nguy hiểm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Nói về việc "cắt xén" số km thực hành lái ôtô của học viên tại Trung tâm, ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Định, cho biết sẽ yêu cầu giám đốc Trung tâm báo cáo cụ thể.
"Nếu có sai phạm như phóng viên phản ánh, Sở GTVT sẽ tiến hành thanh tra, đồng thời làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan. Quan điểm của chúng tôi là ai sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm đến đó theo quy định của pháp luật, không có chuyện bao che" - ông Dũng nhấn mạnh.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-8
Bình luận (0)