xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cầu phao mục nát liều mình mà đi!

Bài và ảnh: Tuấn Minh

Chỉ với mấy thùng phuy, thuyền xi măng, gỗ, tre và dây thép kết lại thành cầu phao, hàng chục năm qua, người dân xã Thiệu Khánh, Thiệu Hợp (Thanh Hóa) và xã Hoàng Tây (Hà Nam) phải liều mình qua lại

Cầu phao Vồm bắc qua sông Chu nối xã Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa với xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) được đưa vào sử dụng từ năm 1972. Cầu có chiều dài khoảng 200 m, rộng 2 m, được ghép bằng ván gỗ, bên dưới là những cây luồng, được nâng đỡ bởi những thùng phuy.

Biết nguy hiểm vẫn phải chọn

Qua hơn 40 năm sử dụng, hiện cây cầu xuống cấp nghiêm trọng, những tấm ván mục nát trên cầu không được thay thế, tạo ra những kẽ hở lớn, những cây luồng bên ngoài đã mục nát, gãy gập, dây buộc đã hoen gỉ… nhưng hằng ngày vẫn có cả ngàn lượt người qua lại. Dù 2 bên đầu cầu có biển cảnh báo “Cấm đi xe đạp, xe máy trên cầu” nhưng người dân địa phương vẫn liều mình phóng xe qua.

Ông Nguyễn Chí Bình, người thu vé đầu cầu xã Thiệu Khánh, cho biết đã làm việc ở đây gần 20 năm và từng chứng kiến nhiều người gặp nạn khi đi qua cây cầu tạm này. “Đã có ít nhất 3-4 người rơi xuống sông chết đuối, còn những trường hợp trượt chân rơi xuống sống hay té ngã khi qua cầu thì thường xuyên. Từ năm 2014 đến nay, cây cầu được dựng lan can nên số vụ rơi xuống sông đã giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy hiểm, nhất là khi trời mưa to, nước lớn” - ông Bình nói.

Còn theo một số người dân ở xã Thiệu Hợp, cầu phao này phục vụ việc đi lại cho khoảng 5 xã lân cận. Dù biết nguy hiểm nhưng đi đường vòng xa hơn nhiều nên người dân chọn đi qua cầu phao.

“Cách đây khoảng 3 tháng, tôi và một số bà con phát hiện và cứu sống kịp thời một cặp vợ chồng đi trên xe máy qua cầu bị trượt ngã xuống sông. Chỉ cần chậm một chút, họ đã bị nước cuốn trôi” - ông Trần Văn Phúc (ngụ thôn 5, xã Thiệu Khánh) nhớ lại.

 

Cầu phao bắc qua sông Nhuệ (Hà Nam) không có lan can...
Cầu phao bắc qua sông Nhuệ (Hà Nam) không có lan can...

 

Tại tỉnh Hà Nam, 20 năm qua người dân xóm Bờ Sông, xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng phải qua lại trên cầu phao bắc qua sông Nhuệ do chính người dân tự mở để lấy đường đi lại. Cây cầu được làm sơ sài, với 9 thuyền xi măng dàn đều trên sông Nhuệ, bên trên được đặt những thanh tre và gỗ nối với nhau bằng những sợi dây thép, không có lan can nhưng phục vụ nhu cầu qua lại của 134 hộ dân ở xóm Bờ Sông và một số xã khác như Tiên Tân (TP Phủ Lý), Nhật Tựu (Kim Bảng) và Hoàng Đông (Duy Tiên). Đây cũng là nơi mà mỗi ngày hàng trăm học sinh phải đi qua để đến trường.

Trên cây cầu này cũng thường xảy ra các vụ tai nạn nhưng đây là con đường ngắn nhất để qua sông nên người dân chấp nhận “đánh liều”. Mỗi lần có người bước lên, chiếc cầu phao lại đong đưa khiến trống ngực người đi cũng đánh liên hồi.

Không có kinh phí xây cầu

Ông Trương Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Tây, cho biết địa phương rất muốn xây một cây cầu thật kiên cố để người dân đi lại an toàn nhưng kinh phí để xây dựng quá lớn, nằm ngoài ngân sách của xã. “Việc có một cây cầu an toàn cho học sinh và người dân đi lại thực sự là điều mong mỏi của địa phương nhưng chưa có kinh phí thì trước mắt vẫn phải duy trì cây cầu này để người dân và học sinh đi lại hằng ngày” - ông Khương nói. Cũng theo ông Khương, mỗi năm xã huy động người dân đóng góp 7 tấn lúa để làm kinh phí tu sửa cầu và trả công cho người trông giữ. Do cây cầu đã xuống cấp, phải sửa chữa thường xuyên nên kinh phí không đủ.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Gia Minh, Giám đốc Công ty CP Xây dựng thương mại Tuấn Minh (trúng thầu quản lý cầu phao Vồm), cho biết cây cầu do 2 xã Thiệu Khánh và Thiệu Hợp cùng quản lý, công ty trúng thầu từ giữa sông vào bờ phía xã Thiệu Khánh, mỗi năm nộp cho địa phương 70 triệu đồng.

“Hằng năm, công ty cũng sửa chữa những chỗ hư hỏng nhưng kinh phí hạn hẹp nên việc xuống cấp là không thể tránh khỏi. Sắp tới, cây cầu được thay thế bằng phà sẽ bảo đảm giao thông cho người dân qua đây. Tuy nhiên, dự án trên vẫn chưa được triển khai” - ông Minh nói.

 

Theo lãnh đạo UBND huyện Thiệu Hóa, cầu Vồm nối TP Thanh Hóa với nhiều xã của 2 huyện Thiệu Hóa, Yên Định. Nếu được xây dựng bằng bê-tông cốt thép, mạng lưới giao thông khu vực sẽ hoàn chỉnh, cơ sở hạ tầng cải thiện, kinh tế - xã hội phát triển mạnh.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo