"Tôi là sinh viên (SV) Trường CĐ Công Thương TP HCM. Vừa rồi nghỉ hè, tôi lên mạng internet, vào các nhóm công khai trên Facebook như Hội những người ở KTX khu A ĐHQG TP HCM, Việc làm thêm quận 9, Thủ Đức... để tìm hiểu. Ở đây, tôi thấy khá nhiều thông tin tuyển dụng làm nhân viên đánh máy, soát vé tại các rạp chiếu phim, bán hàng siêu thị, nhà sách... Tuy nhiên, chỉ khi đến làm việc, tôi mới biết mình bị lừa" - SV Đặng Quỳnh N. (21 tuổi) phản ánh với Báo Người Lao Động.
Tung "chiêu"
N. kể sau khi thấy đăng tin tuyển nhân viên dán tờ rơi quảng cáo, lương khá, N. đến dự phỏng vấn, bị yêu cầu đóng khoản phí 300.000 đồng và được đưa 3 xấp giấy quảng cáo về để dán, tiền lương 4,5 triệu đồng. Suốt 1 tháng thức khuya dậy sớm để làm cho xong việc, đến ngày lên nhận lương thì N. không được trả đồng nào.
"Họ nói tôi làm không đúng công việc họ giao, nếu làm thêm 1 tháng nữa thì sẽ trả nửa tháng lương, còn lương của 1 tháng rưỡi kia là đền bù cho mấy cái tôi làm sai. Tôi tức quá nên xin nghỉ và đòi lại tiền cọc 300.000 đồng nhưng họ nói số tiền đó không đủ trả cho mấy cái sai lặt vặt của tôi, "còn không biết xấu hổ mà đòi cái gì" - N. bức xúc cho biết.
Thông tin tuyển dụng mạo danh để lừa đảo đăng công khai trên mạng xã hội
Tương tự, Nguyễn Quỳnh T. (20 tuổi, quận Gò Vấp) phản ánh sau khi lên mạng tìm việc, T. được hẹn đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh) để phỏng vấn xin việc. Tại bàn tiếp đón, người hướng dẫn nói sơ qua về công việc rồi yêu cầu đóng phí 500.000 đồng để làm thẻ ATM, đồng phục và phí giữ chỗ dù trước đó khi gọi điện thoại hẹn phỏng vấn, họ nói không thu bất kỳ khoản phí nào.
Đóng tiền xong, nơi đây lại hẹn hôm sau đến một địa chỉ khác trên đường Phạm Hùng (quận 8) để nhận việc. Khi T. đến thì đây không phải là văn phòng làm việc mà là phòng trọ nhỏ. Một người yêu cầu T. đóng thêm 250.000 đồng. Biết bị lừa, T. đòi lại số tiền đã đóng nhưng không được chấp nhận vì không có giấy tờ gì chứng minh.
Có bao nhiêu đóng bấy nhiêu
Từ những thông tin N. và T. cung cấp, chúng tôi thử vào nhóm Hội những người ở KTX khu A ĐHQG. Một nick Facebook có tên Cây Cổ Thụ đăng tuyển nhân viên bán hàng tại các chuỗi cửa hàng tiện lợi, đối tượng tuyển dụng là mọi thành phần, đặc biệt ưu tiên SV. Ca 4 giờ/ngày sẽ hưởng mức lương là 4,8 triệu đồng/tháng, ca 6 giờ/ngày sẽ hưởng mức lương 6,7 triệu đồng/tháng, ca 8 giờ/ngày mức lương 8,2 triệu đồng/tháng. Không chỉ lương cao mà khi đến làm việc còn được hưởng chế độ bảo hiểm theo quy định, bao ăn ở 100%, nếu không ở lại thì hỗ trợ 800.000 đồng tiền xăng xe.
Sau khi gọi vào số điện thoại được cho là của người quản lý, chúng tôi nhận được cuộc hẹn phỏng vấn vào sáng hôm sau tại địa chỉ 186 Cống Lở (phường 15, quận Tân Bình). Điểm hẹn là quán cà phê với hàng chục người đến phỏng vấn và đa số vẫn là SV. Trên trang tuyển dụng ghi rõ là tuyển nhân viên làm tại siêu thị, rạp chiếu phim nhưng người hướng dẫn nói với chúng tôi do đã đủ nhân sự nên hiện tại tuyển nhân viên bán ca cao và yến cao cấp.
Khi được hỏi công việc cụ thể thế nào, địa chỉ làm ở đâu, người hướng dẫn trả lời mơ hồ: "Hiện tại công ty đang sửa chữa nên tạm thời mọi người sẽ làm việc ở quán cà phê. Công ty có nhiều chi nhánh, nếu em học việc sau vài ngày, xem thái độ thế nào sẽ được đưa đến địa điểm gần nhà để làm". Được yêu cầu đóng phí, chúng tôi viện cớ không đem đủ tiền, người hướng dẫn nói: "Có bao nhiêu đóng trước bấy nhiêu, vài chục ngàn đồng cũng được".
Phải tìm hiểu thật kỹ
Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM), người tìm việc cần lưu ý chỉ có đơn vị sử dụng lao động có đăng ký kinh doanh mới có quyền đăng tuyển tìm kiếm người lao động. Ngoài ra, tổ chức giới thiệu việc làm phải có giấy phép, có trụ sở hoạt động rõ ràng. Khi xác lập các giao dịch có thu tiền đều phải có chứng từ thu phí, có dấu mộc và phải nắm rõ chủ thể sử dụng lao động là ai.
"Các thông tin đăng tải trên mạng xã hội đều không được kiểm chứng, vì vậy cần phải tìm hiểu thật kỹ trước khi tham gia và phải có giao kết bằng văn bản rõ ràng" - luật sư Mạch lưu ý.
Bình luận (0)