Quần thể 9 cây muỗm ở đền Voi Phục (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) với hơn 700 năm tuổi là những cổ thụ đầu tiên trong cả nước được công nhận Cây di sản Việt Nam vào dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi được vinh danh, 5 cây đã chết và 4 cây còn lại cũng đang “hấp hối”.
“Chúng tôi đã cố hết sức...”
Cụ Hà Văn May - 94 tuổi, hơn 40 năm làm thủ từ đền Voi Phục - cho biết chỉ trong vòng hơn 3 năm nay, cụ phải chứng kiến 5 cây muỗm đại thụ ở trong đền lần lượt chết. “Trước đây, 9 cây đều tỏa bóng sum sê, mát rượi cả khu đền. Hơn 40 năm gắn bó với ngôi đền này, nhìn những cây muỗm cứ lần lượt chết, tôi tiếc và xót xa lắm” - cụ May ngậm ngùi.
Theo cụ May, vào khoảng tháng 8-2012, 2 cây muỗm to đã chết vì bị sâu ăn rỗng ruột, phải chặt bỏ. Cách đây mấy tháng, 3 cây muỗm khác trong đền lại chết vì lý do tương tự. “Ba cây chết khô vẫn đứng ở 3 góc đền. Hiện còn 4 cây vẫn xanh lá nhưng cũng đang bị bệnh, chẳng biết đến bao giờ thì chết nốt” - cụ May lo lắng.
GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường (VACNE), Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam - cho biết bắt đầu vào năm 2010, vấn đề vinh danh và bảo vệ cây di sản lần đầu tiên được VACNE đề xuất nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. “Những cây di sản không chỉ đơn thuần là cổ thụ mà còn là những nhân chứng lịch sử, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của nhân dân, vì vậy cần phải được tôn vinh và bảo vệ” - ông Huỳnh khẳng định.
Về nguyên nhân dẫn đến 5 cây muỗm ở đền Voi Phục chết, ông Huỳnh cho rằng ngoài sâu bệnh, tuổi thọ thì việc xây dựng, tu bổ đền vào năm 2011 mới đây cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự sinh trưởng của cây. “Khi một số cây bắt đầu có dấu hiệu bị bệnh, chúng tôi đã cử nhiều đoàn về nghiên cứu, lấy mẫu sâu bệnh cũng như mời chuyên gia nước ngoài tham gia việc chữa trị cho cây. Chúng tôi đã cố hết sức nhưng không cứu được là điều đáng tiếc” - ông Huỳnh bày tỏ.
Thiếu quan tâm
Ông Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Ban Quản lý di tích đền Voi Phục, cho biết: “Được công nhận là cây di sản thì quý nhưng sau khi vinh danh, ai là người bảo vệ, bảo tồn lại chẳng rõ”.
Theo ông Tùng, 4 cây muỗm còn sót lại trong đền chẳng biết sống được bao lâu nữa bởi chúng đang bị sâu bệnh mà cũng chẳng biết bệnh gì để chữa. Phải đợi đến tháng 3-2014, các chuyên gia nước ngoài được mời sang để kiểm tra, lúc đó mới biết được những cây này sống hay chết.
Ông Tùng cho biết sau khi 2 cây muỗm đầu tiên chết hồi năm 2012, ông đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi, từ phường, quận đến VACNE, mong muốn được giúp đỡ. Tuy nhiên, VACNE chỉ giúp mời chuyên gia; chính quyền thì chẳng có phản ứng gì, thậm chí ông còn... bị mắng. “Đền đã phải vận động các mạnh thường quân đóng góp được 60 triệu đồng chữa bệnh cho cây nhưng cuối cùng, cả 5 cây vẫn chết” - ông Tùng chua xót.
Ông Tùng bảo rằng lo kinh phí hay bảo tồn cây khó khăn đã đành, ngay việc xử lý 3 cây đã chết khô cũng rất rườm rà. Sau khi cùng cơ quan chức năng của phường, quận và VACNE kiểm tra, xác nhận cây đã chết, tháng 11-2013, ông Tùng làm đơn gửi cơ quan chức năng của TP Hà Nội đề nghị cho chặt bỏ để bảo đảm an toàn nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. “Họ nói đây là cây di sản nên phải đợi xin ý kiến. Bây giờ ai đi ngang qua cũng sợ nhưng thủ tục nó thế, biết làm thế nào!” - ông Tùng bức xúc.
Theo GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh, trong tiêu chí công nhận cây di sản, trách nhiệm bảo vệ cây thuộc về chủ sở hữu (chùa, đình, làng, xã, cá nhân, tập thể đăng ký danh hiệu). Tuy nhiên, việc bảo vệ phải mang tính cộng đồng, phải có sự chung tay của cả xã hội chứ không phải cụ thể cá nhân nào.
Công nhận gần 600 cây di sản
GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết đến nay, đã có gần 600 cây thuộc 50 loài khác nhau ở hơn 30 tỉnh - thành trong cả nước được phát hiện và công nhận là cây di sản. Cây được ghi nhận cao tuổi nhất là khoảng 2.100 năm, có từ thời An Dương Vương ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Cây cao nhất là cây samu dầu ở Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An), cao trên 70 m. Cây đơn thân lớn nhất là cây tùng ở Đắk Lắk có đường kính 6,5 m; cây đa ở đền Thượng (Lào Cai) tính cả rễ phụ có chu vi 45 m...
Bình luận (0)