Cùng với khí hậu, thì đất ba-zan và cát biển đã góp phần tạo nên hương vị độc đáo của củ tỏi ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) mà không nơi nào có được. Thế nhưng, việc mở rộng diện tích trong khi nguồn cát biển khan hiếm đang gây khó cho cây tỏi ở vùng này.
Phát sinh nghề mới
Huyện đảo Lý Sơn hiện có trên 300 ha đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó phần lớn diện tích đất được sử dụng để sản xuất hai loại cây truyền thống là hành và tỏi. Hàng chục năm về trước, khi nguồn cát trắng trên đảo còn dồi dào và dễ khai thác thì nông dân chỉ việc ra bờ biển mang về để cải tạo đất. Do việc lấy cát dễ như thế cộng với giá thành rẻ nên người dân không ý thức trong việc sử dụng hợp lý nguồn cát trắng quý giá này.
Những xuồng, bè khai thác cát biển của người dân đảo Lý Sơn
Để tăng chất lượng và năng suất cho cây hành, tỏi, người dân Lý Sơn thường phủ lên đất canh tác một lớp cát biển khoảng 5 cm. Từ năm 2008 đến nay, sau khi có thương hiệu, giá hành và tỏi Lý Sơn cũng tăng lên đáng kể, nhờ đó thu nhập của nông dân huyện đảo Lý Sơn đã có phần được cải thiện, bình quân từ 12 triệu đồng đến gần 15 triệu đồng/người/năm.
Riêng với “nghề” khai thác cát biển để phục vụ sản xuất cũng nở rộ và thu hút khá đông lao động tham gia. Trung bình mỗi ngày một lao động theo nghề này cũng cho thu nhập trên dưới 500.000 đồng, đây là khoản thu nhập không nhỏ đối với người dân huyện đảo. Toàn huyện, hiện có gần 20 xuồng, bè cùng hàng trăm lao động đang ngày đêm tham gia khai thác cát biển, mỗi ngày có vài trăm mét khối cát biển được đưa vào bờ, chủ yếu là ven xã đảo An Hải.
Tác hại khó lường
Hiện nay, để hành nghề khai thác nguồn cát biển phục vụ cho việc trồng hành, tỏi, mỗi chủ bè phải trang bị một xuồng hoặc bè lớn có thể chứa được từ 10 m3 đến 15 m3. Trên xuồng, bè trang bị động cơ diesel (công suất từ 20 -30 CV) có gắn hệ thống vòi rồng loại lớn để hút cát. Để khai thác nguồn cát biển đạt hiệu quả, mỗi xuồng, bè cần ít nhất từ 2 đến 3 lao động.
Việc khai thác nguồn cát biển ồ ạt của người dân để phục vụ việc sản xuất cây hành, tỏi trên đảo Lý Sơn trong thời gian qua đã kéo theo nhiều hệ lụy, sóng biển triều cường xâm thực ngày càng nghiêm trọng. Bình quân mỗi năm sóng biển đã cuốn trôi trên 4 ha đất ở, đất sản xuất nông nghiệp tại phía Bắc và phía Nam của đảo. Nhiều khu vực sóng biển xâm thực sâu vào đất liền từ 10 đến 20 m.
Vụ tỏi đông xuân hằng năm luôn được xem là vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm của bà con nông dân trên đảo, tuy nhiên, theo phản ánh của bà con, với diễn biến của thời tiết phức tạp và thiếu nguồn đất cát trắng như hiện nay thì việc sản xuất cây hành, tỏi truyền thống của bà con nông dân huyện đảo trong vụ sản xuất này sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cho không được, cấm không xong Ông Lê Hoài Ân, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đảo Lý Sơn, cho biết việc khai thác nguồn cát biển rầm rộ như hiện nay đã ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển, làm giảm đáng kể nguồn hải sản sinh sống ven đảo. Tuy nhiên, nếu cấm khai thác thì người dân không có cát để trồng hành, tỏi, trong khi chưa có giải pháp tối ưu nào để thay thế hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Mấy năm trước đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi có triển khai đề tài khoa học: Khảo sát, xây dựng mô hình, giải pháp kỹ thuật canh tác cây hành, tỏi trong điều kiện thổ nhưỡng ở đảo Lý Sơn. Sau thời gian triển khai, dự án này không đạt hiệu quả nên phải tạm dừng.
Bình luận (0)