Một số bất hợp lý khác trong ngành y tế - Các giám đốc BV đều cho rằng mức phụ cấp phẫu thuật hiện nay quá thấp. Chẳng hạn một người mổ chính ca mổ loại 1 (thời gian quy định 3 giờ) chỉ được 15.000 đồng, phụ mổ 10.000 đồng, giúp việc 7.500 đồng. Quy định này có từ năm 1995 đến nay chưa hề sửa đổi. - Việc điều chỉnh mức lương khiến cho các giám đốc BV lúng túng vì quỹ lương không hề tăng. Do điều này, tại BV Bệnh nhiệt đới quỹ lương có thể hụt mất 3 tỉ đồng/năm. Nếu không xoay xở được nguồn thu khác, BV phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu, như thế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ bệnh nhân.
Phụ cấp làm thêm giờ, một nguồn thu đáng kể
Trong một thời gian dài, đời sống của CB-CNV ngành y đã bớt đi phần nào căng thẳng khi Thông tư số 150/LB-TT ngày 16-4-1996 của liên bộ Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ - Tài chính - Y tế quy định những công chức, viên chức chuyên môn y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ lý, y công...) phải trực ngoài giờ tiêu chuẩn 24/24 giờ được hưởng 3 khoản phụ cấp: phụ cấp thường trực (7.000 đồng, 5.000 đồng hay 3.000 đồng tùy loại bệnh viện), phụ cấp làm đêm (bằng 30% tiền lương) và phụ cấp làm thêm giờ. Hai khoản đầu không nhiều, khoản sau mới đáng kể vì nếu trực 24/24 giờ thì sau khi hoàn thành 8 giờ tiêu chuẩn một ngày làm việc, 16 giờ còn lại được tính như sau: 8 giờ tiếp theo đầu tiên được hưởng lương làm thêm giờ bằng 50% tiền lương cấp bậc hoặc chức vụ, 8 giờ cuối cùng nằm vào giờ làm việc ban đêm theo điều 70 của Bộ Luật Lao động nên được hưởng tiền lương làm thêm bằng 150% tiền lương cấp bậc hoặc chức vụ. Nếu phải trực 24/24 giờ ngày lễ hoặc chủ nhật, mức tính còn cao hơn: 8 giờ đầu được hưởng 100% lương làm thêm giờ, 16 giờ còn lại hưởng 200%. Với mức tính này, tính ra sau một ca trực ngày thường, một bác sĩ bậc 5/10, hệ số lương 2,88 sẽ được 64.960 đồng; một điều dưỡng bậc 8/16, hệ số 2,41 được 55.384 đồng, một hộ lý - y công bậc 8/16, hệ số 2,03 được 47.770 đồng. Tuy nhiên, TTLT số 07/2003 lại chỉ chấp nhận hai khoản đầu tiên mà không công nhận phụ cấp làm thêm giờ. Theo bác sĩ Vương Hùng Việt, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới, tính ra mỗi tháng một nhân viên ở đây giảm thu nhập từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (tùy cấp bậc, chức danh, mức lương), một số tiền quá lớn so với mức tăng 100.000 đồng -200.000 đồng của việc tăng lương cơ bản.
Hậu quả khó lường hết
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ, gọi đây là “bước thụt lùi” cho CB-CNV ngành y tế, những người mà đời sống vốn còn nhiều khó khăn. Thực tế thì trong ngành này, các bác sĩ vẫn có thể cải thiện cuộc sống bằng phòng mạch tư, nhưng số này không nhiều, đại đa số vẫn phải dựa vào đồng lương Nhà nước. Thu nhập thấp, tất yếu là nhiều người có tay nghề cao sẽ nghỉ việc để chuyển sang khu vực tư nhân hay nước ngoài có thu nhập hấp dẫn hơn nhiều. Bác sĩ Vương Hùng Việt cho biết chỉ trong tháng 1-2003 BV của ông đã “mất” 4 điều dưỡng có tay nghề cao và giỏi ngoại ngữ. Số này chuyển sang một BV nước ngoài với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng, gấp 3-4 lần mức lương của BV Nhà nước. Cần nhớ là thời điểm đó chưa có TTLT số 07/2003!
Nếu không nghỉ việc, với thu nhập giảm sút như thế, việc giữ vững y đức của CB-CNV ngành y là điều rất khó. Được biết, trong một ca trực đêm tại BV Phụ sản Từ Dũ, một kíp trực phải đỡ đẻ 50-60 ca và phẫu thuật 20 ca, với công việc căng thẳng như vậy mà kể từ nay mỗi thành viên trực chỉ được hưởng khoảng 15.000 đồng thì quá thấp. BS Phượng đặt vấn đề: Như thế người ta sẽ không còn toàn tâm toàn ý với công việc mà để dành sức lực làm việc khác, chưa kể còn nảy sinh biết bao tiêu cực. Bác sĩ Hoàng Thị Quý, Giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch, cũng đồng tình: “Lâu ngày ở BV Nhà nước chắc chỉ còn những người có tay nghề thấp và làm việc qua loa cho xong!”. Một bác sĩ trưởng khoa có 21 năm công tác tại BV Nhi Đồng 1 tâm sự: “Với đồng lương thấp như thế thì khó đòi hỏi một nhân viên ngành y dồn hết công sức cho bệnh viện vì chúng tôi còn có người thân để lo. Làm việc căng thẳng, bù đắp không tương xứng, sai sót tất yếu phải xảy ra. Sai sót của một người đứng máy gây thiệt hại cho sản phẩm, còn sai sót đối với một bác sĩ thì ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân!”.
Giải pháp nào?
BS Lâm Xuân Điền, Giám đốc BV Tâm thần, đề nghị nếu giữ TTLT số 07/2003 thì người trực không buộc phải nghỉ bù 1 ngày mà có thể ở lại làm buổi sáng, nhưng với mức trả làm thêm giờ thật cao. Đây cũng là cách để giải quyết việc thiếu hụt nhân sự ở những BV chuyên khoa đặc biệt như ngành tâm thần. Tuy nhiên, đại đa số những người được hỏi đều muốn quay lại với Thông tư 150/LB-TT ngày 16-4-1996. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Nam, Chủ tịch Công đoàn BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, cho biết: “Lẽ ra thông tư sau phải cải thiện đời sống nhân viên ngành y tế tốt hơn, đằng này đi ngược lại. Vậy thì theo tôi nên quay lại với Thông tư 150/LB-TT”. Trong bản góp ý với Sở Y tế, bác sĩ Vương Hùng Việt khẳng định Thông tư 150/LB-TT mang tính khoa học và không mang tính cào bằng. Trong những năm qua, nhờ thông tư này mà đời sống CB-CNV ngành y dần dần ổn định, có điều kiện để học tập và nâng cao tay nghề.
Bình luận (0)