Nằm ở số 36 Bis Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Đa Kao, quận 1, TP HCM), đình Tân An được xây dựng theo kiến trúc cổ, kết hợp thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, Quan Thánh Đế Quân và mẹ Ngũ Hành nhằm cầu quốc thái dân an. Năm 1909, triều Nguyễn đã sắc phong thần Thành Hoàng Bổn Cảnh đình Tân An.
Nhếch nhác, bị xâm hại
Nhiều năm trước, phần võ ca của đình Tân An bị chiếm dụng làm phòng tập tạ, chánh điện bị lấy làm nhà kho. Lãnh đạo UBND quận 1 thị sát đã yêu cầu UBND phường Đa Kao chấn chỉnh, lập biên bản và yêu cầu các cá nhân chiếm dụng di tích phải di dời ngay lập tức. Sau đó, UBND quận 1 đã đầu tư 500 triệu đồng sửa sang, trùng tu đình Tân An. Từ đó, nơi này thu hút nhiều người dân và du khách trong, ngoài nước đến thắp hương, tìm hiểu bề dày lịch sử, giá trị tinh thần của ngôi đình này.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, hiện mặt tiền đình Tân An đang bị xâm hại nghiêm trọng. Bà Nguyễn Thị Thu Ngọc (70 tuổi; ngụ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1) bức xúc: "Một số người vô gia cư bày biện đồ dùng sinh hoạt, vật liệu dễ cháy nổ trước đình. Có hộ còn bày biện bàn ghế bán cà phê trước đình nên trông rất nhếch nhác. Chúng tôi đã báo chính quyền nhưng không thấy có thay đổi gì. Rất cần lập lại trật tự lòng lề đường, trả lại vẻ tôn nghiêm của ngôi đình".
Là Di tích lịch sử cấp TP, ngôi đình Bình Tiên (đường Minh Phụng, phường 6, quận 6) cũng đang bị xâm hại. Trước kia, đình có cổng chính nằm trên đường Hậu Giang, về sau bị lấn chiếm xây nhà bít kín lối đi. Hiện nay, mặt có lối vào chính của đình (nằm trên đường Minh Phụng) cũng bị "nuốt chửng" bởi các cửa hàng bán đồ lưu niệm. Nhiều xe rác dân lập cũng tận dụng vài thước đất ở mặt trước cổng miếu làm nơi đậu đỗ.
Mặt chính đình Bình Tiên bị “nuốt chửng” bởi các cửa hàng bán đồ lưu niệm Ảnh: Ý Linh
Tương tự, Lăng Ông (tọa lạc số 1 Vũ Tùng, phường 13, quận Bình Thạnh), tục gọi Lăng Ông - Bà Chiểu, nơi an nghỉ của đức Tả quân tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt (1764-1832) và phu nhân Đỗ Thị Phận là công trình kiến trúc nghệ thuật được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1988. Tuy nhiên nhiều năm nay, nạn buôn bán bát nháo, xâm hại cảnh quan Lăng Ông vẫn không được giải quyết. Hàng rong, quán xá tạm bợ, rác thải nhếch nhác "thập diện mai phục" quanh thành lăng. Từ cổng trước (đường Vũ Tùng) ra cổng sau (đường Phan Đăng Lưu) đều bị biến thành bãi xe cho người đi chợ. Hay ngôi đình Thông Tây Hội hơn 300 năm tuổi (đường Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp) được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1998 nhưng cổng tam quan tôn nghiêm cũng bị một hộ dân ngang nhiên biến thành quán cà phê cóc. Nối tiếp đó là một loạt xe hàng rong bán đồ ăn, thức uống bủa vây cổng đình khiến cảnh quan thêm nhếch nhác.
Vấn đề nan giải
Theo vị phó Ban Trị sự tiền nhiệm của đình Thông Tây Hội (hiện tại Ban Trị sự chưa được bầu lại), không thể đuổi người bán trước cổng đình vì giữa họ có một cam kết không thành văn: Sử dụng mặt tiền đình để kinh doanh thì phải trông nom đình. "Do Ban Trị sự không thể có mặt thường xuyên tại đình nên để bảo vệ di tích, chúng tôi cần người túc trực, chăm nom. Không có kinh phí thuê bảo vệ, buộc lòng phải cho họ buôn bán và nhờ họ trông nom đình" - vị này cho biết.
Chấp nhận để cảnh quan di tích bị xâm hại vì thiếu kinh phí cũng là câu chuyện đang diễn ra tại đình Khánh Hội (Di tích lịch sử cấp quốc gia, địa chỉ 71-73 Nguyễn Tất Thành, phường 13, quận 4). Lý giải về việc khuôn viên sân đình bị trưng dụng để làm bãi giữ ôtô, ông Nguyễn Hải Tâm, Trưởng Ban Trị sự đình Khánh Hội, cho biết do ít người đến đình nên nguồn thu từ tiền công đức gần như không có. Mặt khác, khoản kinh phí nhà nước hỗ trợ cho đình mỗi năm không đủ để thuê người bảo vệ, trông nom cổ vật trong đình, tu bổ di tích… Vì vậy, đình đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng mái che di động ở khoảng sân trống làm bãi giữ ôtô, kiếm thêm nguồn thu. Ông Tâm cũng thừa nhận nhiều hiện vật quý, giá trị nhưng công tác an ninh, an toàn tại nơi di tích không được bảo đảm nên đình liên tục bị mất cắp cổ vật. "Để bảo đảm an ninh, chúng tôi phải thuê thêm bảo vệ trực 24/24 và dùng tiền cho thuê sân làm bãi xe để trả lương" - ông Tâm phân trần.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hớn (79 tuổi, người trông đình đời thứ tư của một gia đình có truyền thống làm ông từ, bà từ ở đình Bình Tiên) cho biết đình Bình Tiên được xây dựng vào năm 1832, thờ ngài Đoàn Văn Túc, vị quan mẫu mực, có nhiều đóng góp cho đất nước dưới triều Nguyễn. Ngày 20-6-2009, ngôi đình được UBND TP HCM ra quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp TP. Gần một đời người trông đình, ông Hớn không ít lần đối mặt với những kẻ trộm cổ vật. "Một cá nhân, một gia đình hay một tổ chức cố gắng bảo vệ di tích thôi chưa đủ, rất cần sự quan tâm cũng như thái độ quyết liệt của chính quyền trong việc bảo tồn di tích" - ông Hớn nói.
Bảo vệ di tích cũng là góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và cũng để sau này con cháu nhớ về lịch sử hình thành đất Nam Bộ, nhớ về tổ tiên".
Ông Nguyễn Văn Hớn
Bình luận (0)