Thành phần tham dự có cán bộ sắp nghỉ hưu hoặc đảm nhận chức vụ mà khó có thể tìm thấy mối liên hệ giữa cương vị của họ với mục đích chuyến đi.
Một chi tiết khác cũng khiến dư luận đặc biệt chú ý, đó là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải, doanh nghiệp (DN) đài thọ chuyến đi, hiện đang đầu tư xây dựng hạ tầng, khu dân cư lấn biển ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Được biết, một chuyến đi châu Âu 15 ngày sẽ tốn khoảng 90-100 triệu đồng/người, với đoàn khoảng hơn 10 người thì số tiền DN bỏ ra sẽ không dưới 1 tỉ đồng. Ai có thể tin được rằng DN sẵn sàng chi tiền tỉ mà lại không trông mong nhận được điều gì lớn hơn số tiền đã bỏ ra.
Người dân có quyền đặt câu hỏi liệu đây có phải là một hình thức "lại quả" công khai mà kín đáo của DN dành cho những người có quyền hạn để đổi lấy những ưu ái dành cho DN khi làm ăn tại địa phương?
Trả lời báo chí về việc chuyến tham quan, học tập của những cán bộ trên có phù hợp với đặc thù công việc và thời gian đương nhiệm, ông Nguyễn Ngọc Chỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận, cho biết do chuyến đi và những cán bộ này không nằm trong kế hoạch, chương trình đào tạo của địa phương nên không xem xét đến.
Như vậy, có thể thấy sự "vô tư" của tỉnh Bình Thuận khi xét duyệt cho cán bộ đi nước ngoài, chỉ cần có DN "mời là đi". Không lẽ họ không biết đến câu: "Của biếu là của lo, của cho là của nợ"? Hoặc cũng có thể họ biết rất rõ điều đó nhưng cố tình làm ngơ khi hạ bút ký duyệt những chuyến du hí "hoàng hôn nhiệm kỳ" này. Điều đó nói lên điều gì? Phải chăng tư tưởng"xài của chùa" hay "hốt cú chót" đã ăn sâu vào suy nghĩ của một số người có chức, có quyền?
Nếu quả đúng như vậy thì rất đáng lo ngại, bởi suy xét kỹ thì đây chính là thể hiện sự suy thoái về tư tưởng, phẩm chất đạo đức cán bộ mà chúng ta vẫn thường nhắc đến.
Bình luận (0)