Vừa qua, sự việc Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) có văn bản chất vấn nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về việc bổ nhiệm con trai không đáp ứng tiêu chuẩn làm Phó Tổng Giám đốc Sabeco đã làm dư luận nóng lên.
Trên thực tế có rất nhiều trường hợp người dân, tổ chức không biết làm cách nào để đưa các nghi vấn mà họ cho sai trái, chưa đúng pháp luật, trái đạo đức xã hội của một số cán bộ, công chức đến cơ quan có thẩm quyền. Bởi nếu thể hiện dưới hình thức khiếu nại sẽ không được thụ lý giải quyết vì không thuộc phạm vi quyền khiếu nại của họ theo quy định. Còn nếu tố cáo thì rất nguy hiểm vì dễ dính vào vòng lao lý nếu lỡ tố cáo sai sự thật. Do đó, các thắc mắc được thể hiện thông qua hình thức chất vấn hoặc đặt câu hỏi sẽ hạn chế rủi ro mà hiệu quả cũng khá cao. Cụ thể:
Thứ nhất, việc chất vấn, đặt câu hỏi tạo tâm lý dễ dàng, thoải mái cho người bị chất vấn hơn các hình thức khác vì đây chỉ là thắc mắc, mong muốn làm rõ những vấn đề chưa rõ, chưa cụ thể. Mặt khác, hình thức này không được pháp luật quy định, không phải là thủ tục hành chính nên cách thức trả lời cũng đơn giản, với nhiều hình thức như bằng công văn, trả lời miệng hoặc phản hồi thông qua báo chí, thậm chí người bị hỏi có thể từ chối trả lời.
Thứ hai, ở khía cạnh người chất vấn, sử dụng hình thức này không đòi hỏi thủ tục, không sợ bị quy trách nhiệm, hạn chế được nguy cơ lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm hoặc làm nhục người khác. Trường hợp có sai phạm thì được chấn chỉnh, xử lý kịp thời; còn như không có vấn đề gì thì dư luận, người dân cũng có được câu trả lời cụ thể, rõ ràng để giải tỏa tâm lý nghi ngờ.
Bình luận (0)