Bên cạnh mặt tích cực ai cũng thấy, mạng xã hội (MXH) hiện trở thành công cụ chỉ trích của những "anh hùng bàn phím" khiến nhiều người vô tình trở thành "mồi nhậu" của cư dân mạng. Lướt một vòng trên Facebook, người ta dễ dàng bắt gặp những bình luận ác ý, những lời công kích, chê bai, chửi bới một ai đó.
Công cụ phát tán lời chỉ trích, miệt thị
Không khó để thấy bên dưới những bài đăng về một sự vụ đang nóng, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng luôn có những bình luận tiêu cực, đôi khi còn lấn át cả những bình luận tích cực. Những "anh hùng bàn phím" tự cho mình cái quyền lập một "tòa án công lý ảo" trên internet để phán xét, chửi rủa, kết tội những hành vi mà họ cho là có lỗi, trong bất kỳ lĩnh vực nào từ chuyện gia đình, công sở, tình yêu đến kinh doanh, các vấn đề xã hội... Ngồi một chỗ tiếp cận thông tin từ khắp nơi nên dễ dẫn đến tình trạng chỉ mới nhìn vào một mặt của sự việc, hiện tượng đã dễ dàng phán xét, bình luận, chỉ trích.
Chỉ trích, nói xấu người khác cũng là hạ thấp nhân phẩm chính mình. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đáng nói là MXH ảo nhưng những hệ lụy của nó lại là thật. Những chiêu trò "ném đá" trong thế giới ảo không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng, tinh thần và cuộc sống của đối tượng bị "ném đá" mà còn cướp đi sinh mạng của họ, đặc biệt là những thanh thiếu niên suy nghĩ còn bồng bột, nhạy cảm, dễ bị tổn thương trước những lời miệt thị, mỉa mai, đá xoáy, lên án của cộng đồng mạng. Điển hình là trường hợp của em T., sinh năm 2000 ở Đồng Nai sau khi bị bạn trai tung clip sex lên MXH, phải đối mặt với những bình luận ác ý, những lời mỉa mai, dè bỉu, chửi rủa tục tĩu, bịa đặt đã chọn cái chết để tránh sự công kích của cộng đồng mạng. T. không phải nạn nhân đầu tiên và cuối cùng của MHX. Đã từng và hiện vẫn có rất nhiều người rơi vào trầm cảm, bế tắc, tuyệt vọng khi đột nhiên bị công kích bởi một nhóm người họ chưa từng quen biết.
Sự tự do trên MHX đang trở thành mảnh đất dung dưỡng cho cái xấu khi người ta dễ dàng lên án, chỉ trích, cười cợt, chê bai bất kỳ thứ gì không "vừa mắt". Việc nhiều người hùa nhau chửi bới, bình luận cay nghiệt, "ném đá" một nhân vật, một sự việc trên MXH là bởi họ cho rằng mình vô danh với người bị chỉ trích. Khi trở nên vô danh, con người bộc lộ bản năng và dễ làm điều tiêu cực với người khác. Đó là tâm lý đám đông bắt nguồn từ sự lây lan cảm xúc một cách vô thức đi kèm với cảm giác tự do, cảm thấy mình không phải chịu trách nhiệm khi hậu quả xấu xảy ra.
Nhiều quy định xử phạt
Tuy nhiên, hành vi đăng tin, bình luận sai sự thật, lăng mạ, bôi nhọ, làm nhục người khác trên MXH là vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Luật Công nghệ thông tin, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự và các nghị định liên quan cũng có những quy định, chế tài về vấn đề này.
Mới đây, Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019 cũng góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng. Điều 16 luật này quy định cụ thể 5 nhóm thông tin trên không gian mạng bị coi là vi phạm pháp luật, bao gồm: Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống nhà nước; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Luật này không cấm người tham gia MXH lên tiếng, bày tỏ quan điểm cá nhân, song phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật.
Về chế tài, điểm g điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Nếu hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự ở mức độ nghiêm trọng gây ảnh hưởng tâm lý người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm (điều 121 Bộ Luật Hình sự 2015). Nếu có hành vi bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống, bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Tuy nhiên, các quy định, chế tài vẫn còn chung chung, cần quy định rõ ràng và chi tiết hơn về hành vi vi phạm để có căn cứ xử lý các trường hợp về sau.
Đánh người, tay mình đau trước
Tôi nghĩ nhiều người vẫn nghĩ rằng thế giới mạng là nơi muốn nói gì thì nói, muốn chỉ trích ai cũng được, không cần suy nghĩ, cân nhắc phải trái, thiệt hơn... bởi đó là thế giới ảo, không ai biết ai.
Thế nhưng, nếu là người có nhân cách, suy nghĩ thì phải có trách nhiệm với chính bản thân mình. Khi nhận lời nói không hay từ ai đó, bạn sẽ có cảm xúc bực tức, buồn bã, vậy thì cớ gì bạn lại xúc phạm, tổn thương người khác? Sao không góp ý chân tình, nhẹ nhàng trao đổi để người trái ý hoặc làm sai và bản thân bạn được nhẹ lòng hơn?
Tôi thường tham gia comment dưới các bài viết và không ít lần nhận được những góp ý thẳng thắn, thậm chí chỉ thẳng cái sai của tôi. Bình tĩnh nhận xét, tôi thấy họ nói đúng và công khai nhận lỗi. Đơn giản tôi nghĩ ở đâu cũng vậy, thế giới thật hay mạng cũng có đúng, có sai; có trách nhiệm và tự trọng. "Anh hùng bàn phím" là hư danh.
Chỉ trích người khác, có gì hay, lợi lộc gì, vui sướng gì? Thiết nghĩ, đánh người khác, tay mình đau trước; chỉ trích, nói xấu người khác thì cũng là đang hạ thấp nhân phẩm chính mình.
Thanh Vân
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-7
Bình luận (0)