Hôm qua, 9-3, thông tin về việc phụ huynh bị lừa chuyển tiền cấp cứu con tại bệnh viện, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu, Công an thành phố, cho biết tội phạm đã mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện.
Chúng điện thoại trực tiếp đến phụ huynh thông báo học sinh bị tai nạn đang được nhập viện cấp cứu tại bệnh viện, sau đó yêu cầu phụ huynh chuyển tiền qua tài khoản để "tạm ứng thanh toán viện phí".
Tội phạm lừa đảo qua điện thoại đang diễn biến phức tạp - Ảnh minh họa, Internet
Trước băn khoăn làm sao những kẻ lừa đảo nắm chính xác thông tin của học sinh, phụ huynh, ông Hà nêu khả năng thông tin có thể lộ lọt bằng nhiều cách, do lỗ hổng bảo mật, liên quan đến cơ quan, doanh nghiệp…
"Cơ quan nhà nước đều có quy định quản lý chặt chẽ, kiểm tra bảo mật, an toàn… Kết quả cụ thể thì phụ thuộc quá trình điều tra, làm rõ"- Phó Phòng Tham mưu công an TP HCM cho hay.
Trong khi đó, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, khẳng định hệ thống dữ liệu mà ngành giáo dục đang quản lý rất chặt. Không có chuyện lộ thông tin cá nhân từ hệ thống quản lý của ngành giáo dục.
Còn bạn đọc thì có lý của mình khi đặt ra nghi vấn thông tin cá nhân bị bán nên kẻ lừa đảo nắm đầy đủ, thậm chí nằm lòng lý lịch, mối quan hệ với người thân... của nạn nhân.
Bạn đọc Giang cho biết rất khó chịu khi nhiều lần bị các trung tâm Anh ngữ, các cơ sở phát triển kỹ năng… gạ gẫm, nói vanh vách tên con, lớp, trường, tên giáo viên chủ nhiệm, tên phụ huynh. "Tôi gặng hỏi thông tin từ đâu thì họ nói do có liên kết với nhà trường. Tôi dọa kiện thì những lần sau họ nói là không biết, có khi là… bé tự nói." – bạn đọc Giang kể.
Chung trải nghiệm, bạn đọc Trần Ngọc Vũ cho hay thường xuyên được gọi mời cho con tham dự các chương trình của các trung tâm đào tạo. Các trung tâm còn biết con đang học lớp nào. "Có khả năng cao nhiều phần mềm đăng ký ở trường đã làm lộ thông tin cá nhân của phụ huynh và học sinh"- bạn đọc Trần Ngọc Vũ nêu.
Nhiều bạn đọc nêu nghi vấn cá nhân nào đó của nhà trường bán hoặc cung cấp số điện thoại của phụ huynh, học sinh cho 1 số đối tượng bên ngoài… Nêu thêm khả năng khác, bạn đọc Hà Đức Thịnh cho rằng chủ thể chịu trách nhiệm chính phải là các đơn vị kinh doanh viễn thông bởi không ai nắm rõ danh sách thuê bao vì họ là bên bán và quản lý thuê bao.
Số điện thoại của cá nhân bị các doanh nghiệp và các đối tượng xấu sử dụng mời gọi dịch vụ, quảng cáo hoặc lừa đảo là một vấn nạn cần được Bộ Công an và Bộ Thông tin - Truyền thông làm rõ nguyên nhân để xử lý. "Tình trạng này thể hiện quyền được bảo mật thông tin cá nhân công dân bị xâm phạm nghiêm trọng, kéo dài và gây hậu quả rất nghiêm trọng." – Bạn đọc Hà Đức Thịnh nói.
Nêu giải pháp, tài khoản Congdanxyz@... cho rằng để chấm dứt tình trạng SIM rác, cuộc gọi lừa đảo, Chính phủ nên có văn bản quy định bất cứ cuộc gọi rác, gọi lừa đảo đến thuê bao người dân mà bị phản ánh thì nhà mạng đó phải chỉ ra cho được chủ nhân sở hữu thuê bao đã gọi.
"Riêng với những cuộc lừa đảo mà người dân, tổ chức bị mất tiền, nhà mạng phải cung cấp chủ nhân số điện thoại gọi đến để lừa đảo cho cơ quan Công an. Nếu không cung cấp được, không cung cấp đúng chủ nhân số điện thoại kia thì nhà mạng phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền người dân bị lừa cộng với các chi phí phát sinh của cuộc gọi lừa đảo" – tài khoản Congdanxyz@... nhấn mạnh.
Bình luận (0)