Có hàng loạt quy định pháp luật về bộ máy công quyền tại Việt Nam như: Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, Luật MTTQ... Mỗi luật đều có luật tổ chức bộ máy và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn riêng, cụ thể phù hợp với đặc thù của từng ngành. Ngoài ra, có rất nhiều văn bản dưới luật quy định quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị.
Đề cao trách nhiệm công vụ
Theo luật sư (LS) Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn LS TP HCM), trước tình trạng để xảy ra các vụ việc như báo chí phản ánh, tất cả đều xoay quanh vấn đề tận tụy, trách nhiệm của những người thực hiện công vụ.
"Công vụ là một loại hoạt động nhân danh quyền lực nhà nước, nói đến công vụ là nói đến trách nhiệm của cán bộ, công chức và của người đứng đầu, trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ nhằm phục vụ người dân và xã hội. Trách nhiệm công vụ là việc cán bộ, công chức tự ý thức về quyền và nhiệm vụ được phân công cũng như bổn phận phải thực hiện các quyền và nhiệm vụ đó. Một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả đều dựa trên cơ sở đề cao tính trách nhiệm với tinh thần tận tụy, mẫn cán và làm tròn bổn phận của cán bộ, công chức" - LS Toàn nói.
“Sào huyệt” đường dây đánh bạc quốc tế qua mạng được đặt trong khu đô thị Our City (TP Hải Phòng) nhưng chính quyền địa phương gần như không nắm được có bao nhiêu người sinh sống ở đây, bên trong có những gì... Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Với ý nghĩa quan trọng như vậy, bất kỳ nhà nước nào cũng phải xây dựng một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả và nhấn mạnh đến việc đề cao trách nhiệm công vụ. Nếu thực hiện tốt, nghiêm và dựa trên các nền tảng pháp luật hiện có, phối kết hợp đồng bộ thì sẽ không có tình trạng đã xảy ra như thời gian vừa qua.
"Trách nhiệm công vụ theo nghĩa tiêu cực là sự gánh chịu hậu quả pháp lý do không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ. Nội hàm trách nhiệm công vụ còn thể hiện yêu cầu của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, công chức về tính chủ động sáng tạo trong hoạt động thực thi công vụ. Đó là nghĩa vụ phải lựa chọn phương án hành động tối ưu và hợp lý nhất để bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ những người dân lương thiện, những người đã đóng thuế để vận hành bộ máy nhà nước" - LS Toàn phân tích.
Theo LS Toàn, dẫu biết trách nhiệm mà nhân dân kỳ vọng đối với lực lượng công an là quá lớn nhưng để tệ nạn kéo dài như ma túy trong vũ trường, quán bar hoặc thác loạn ở các quán karaoke trá hình thì cần phải suy nghĩ.
"Rất nhiều vụ côn đồ ngang nhiên tấn công người dân nhưng họ chỉ biết chịu đựng. Đáng suy nghĩ hơn nữa là một số vụ người dân đã đến trình báo cơ quan công quyền nhưng không được giải quyết sớm dẫn đến hậu quả đau lòng. Người dân cần cán bộ đề cao trách nhiệm, giải quyết rốt ráo những gì nhân dân cần để họ yên tâm sống, kinh doanh và làm việc" - LS Toàn nói.
Cần người dân phối hợp
Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP HCM, cho biết hiện tại trên toàn TP có 67 công ty thu hồi nợ, trong đó 46 công ty được cấp phép. Thượng tá Nam thông tin rằng những công ty này được những người có trình độ cao đứng ra thành lập song những người đi thu hồi nợ thường rất manh động với vẻ ngoài bặm trợn, xăm trổ. Các đối tượng đi đòi nợ lợi dụng tâm lý hoang mang của người dân nên đã sử dụng các chiêu bẩn như tạt sơn, tạt mắm tôm gây áp lực buộc gia đình người mượn nợ đứng ra trả nợ để đổi lấy sự bình yên.
"Bên cạnh những chiêu trò cũ, hiện nay nhiều nhóm đòi nợ đã sử dụng những phương pháp "đê hèn" như thả rắn vào nhà, bỏ gián vào thức ăn để phá hoại hoạt động kinh doanh. Hiện chưa có khung pháp lý về địa bàn hoạt động của các công ty đòi nợ thuê và các công ty này biến tướng rất nhiều với những hành vi đe dọa con nợ, dễ dẫn đến phạm pháp và gây bất an cho người dân, gây mất an ninh trật tự" - thượng tá Nam nói.
Về sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và người dân, thượng tá Nguyễn Đăng Nam khuyến cáo người dân khi bị tấn công bằng chất bẩn thì cần giữ lại hiện trường, trình báo ngay để công an địa phương ghi nhận chứng cứ xử lý. Những vụ đe dọa, khủng bố tinh thần không cần yếu tố cấu thành thiệt hại vật chất đều xử lý được.
Nói về những hiện tượng "ai cũng biết, ai cũng thấy" về các hoạt động tín dụng đen, ma túy ở vũ trường hoặc những hoạt động thác loạn ở các quán karaoke, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM, cho rằng vai trò của cảnh sát khu vực và chính quyền địa phương rất quan trọng. Cán bộ địa phương cần sử dụng hiệu quả "đặc tình từ nhân dân" bởi vì chính người dân là "tai mắt" quan trọng trong việc phát hiện tội phạm, tệ nạn.
"Mỗi người dân cần thể hiện sự quyết tâm trong việc tố giác tội phạm để môi trường sống được tốt hơn. Khi phát hiện hoặc nghi vấn các ổ tệ nạn thì người dân cần trình báo chính quyền địa phương. Trong chức năng, nhiệm vụ của mình thì địa phương phải báo cáo lên cấp trên để có phương án giải quyết. Nếu người dân đã làm đúng trách nhiệm của mình nhưng tệ nạn vẫn mặc nhiên tồn tại thì xem lại vai trò lãnh đạo của cán bộ địa phương và xử lý nghiêm để người dân không mất niềm tin" - bà Thủy nhấn mạnh.
Việc nào khó, có nhân dân!
Trải qua hàng chục năm tham gia xét xử các vụ án hình sự, bà Nguyễn Thị Thu Thủy khẳng định rằng rất nhiều vụ trọng án, những tệ nạn xã hội được phát hiện, xử lý là do người dân cung cấp chứng cứ.
"Tôi từng xử một vụ án buôn người, các đối tượng trong đường dây bán 40 cô gái sang nước ngoài làm vợ, làm gái bán dâm. Vụ án này được phanh phui từ tin báo tố giác tội phạm của người dân. Vì vậy, tôi nghĩ vấn đề dù khó khăn đến đâu nhưng chính quyền biết sử dụng nguồn lực từ nhân dân thì chuyện khó nào cũng giải quyết được" - bà Thủy kể.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-8
Bình luận (0)